(QNg)- Những ngày Tết Nhâm Thìn 2012, lợi dụng thời gian nghỉ Tết tương đối dài, đội quân "vàng tặc" đã tập kết máy móc, tổ chức khai thác rầm rộ vàng sa khoáng trên sông Tang thuộc địa phận hai xã Trà Phong, Trà Xinh huyện vùng cao Tây Trà. Trong khi đó công tác tổ chức lực lượng ngăn chặn của chính quyền và ngành chức lại chưa kịp thời...
Quằn quại một khúc sông Tang...
Một ngày đầu tháng Giêng Nhâm Thìn chúng tôi được một số người dân bản địa dẫn đường đến thung lũng sông Tang thuộc địa phận hai xã Trà Phong và Trà Xinh (Tây Trà) "mục sở thị" cảnh khai thác vàng sa khoáng ở đây. Vượt hơn 10 cây số đường dốc đá lởm chởm bằng xe máy, đến cạnh dòng sông Tang chúng tôi dừng lại. Người đàn ông cao lớn dẫn đường chỉ tay về phía dòng sông nước đục ngầu quả quyết: "Vàng tặc" đang tập kết cách đây không xa!".
Chúng tôi quyết định xuống xe đi bộ men theo triền sông tiến gần về nơi "vàng tặc" có tiếng máy đào đang nổ. Một khung cảnh "hoành tráng" với hai chiếc máy đào, máy xúc lớn cùng dàn máy đãi vàng hiện đại bày bố giữa lòng sông. Cạnh đó là lán trại ăn ở, sinh hoạt của đội quân "vàng tặc". Thoạt nhìn cứ tưởng họ là những công nhân đang thi công công trình nào đó, bởi cách "làm việc" của đội quân này không có vẻ lén lút, sợ sệt. Họ ngang nhiên khai thác vàng sa khoáng khi chỉ cách trụ sở UBND xã Trà Xinh chừng 1 - 2 cây số.
Dòng sông tang tan nát bởi “vàng tặc”. |
Hai chiếc máy đào liên tục đào sâu xuống đáy sông đưa lên những gầu đất đá khổng lồ khiến dòng sông nhiều chỗ trở nên sâu hoắm. Đất đá đào lên được đưa về máng đãi. Những chiếc máng tự động lắc lư, gột rửa phần đất đá, giữ lại phần kim loại có trọng lượng nặng hơn, để sau đó đưa vào đãi lại nhiều lần nhằm tìm ra vàng sa khoáng. Nguy hại hơn, có nhiều mảnh ruộng bậc thang gần bên sông Tang cũng bị đào bới múc hết cốt tìm cho bằng được vàng.
Gặp những người dân tộc thiểu số xã Trà Xinh đi đốn củi về, chúng tôi gạn hỏi chuyện đãi vàng, họ cho biết: Người ta đến đây tìm vàng lâu rồi. Có một thời gian bị đuổi, họ ngừng không khai thác. Thế nhưng Tết vừa rồi, những người này lại quay trở về tiếp tục tìm vàng. "Dòng sông này trước đây nhiều cá lắm, nhưng từ khi bị xúc đất để đãi vàng, cá trốn mất hết. Dân không còn cá để ăn, nước thì đục ngầu thế đấy!" - ông Hồ Văn Ái, thôn Trà Ôi, xã Trà Xinh thở dài nói.
Người dân bỏ rẫy xuống sông tìm vàng
Thông tin về sông Tang có vàng được truyền đi đến nhiều làng ở tận vùng cao Trà Xinh, Trà Thọ. Trong đó, có cả chuyện "vàng tặc" xuống bản lôi kéo, dụ dỗ người dân đãi vàng thuê cho bọn chúng. Chị Hồ Thị Ây, thôn Trà Veo, xã Trà Xinh, cho biết: "Hôm nọ có người thanh niên cao lớn đến nói là ra sông Tang đãi vàng giúp họ. Họ bao cơm ăn ngày hai bữa. Đãi được vàng sẽ mua cho". Chính vì thế, nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở một số xã của huyện Tây Trà sống dọc theo sông Tang đã bỏ nương rẫy để theo "vàng tặc" đãi vàng.
Người mua (giữa đội mũ) mặc cả mua vàng sa khoáng mà người dân đãi được. |
Họ được trang bị mâm đãi, được "hướng dẫn" cách đãi vàng. Chúng tôi đã có dịp được trò chuyện cùng một số chị em khi họ vừa kết thúc một ngày "làm việc" dưới lòng sông Tang lên bờ. Mỗi người mang theo một túi vải để đựng các hạt đất đá, mà họ cho là "của trời cho" và ngồi chờ người mua đến để bán. Một nắm đất đá, kim loại, được trả 100.000 đồng, có người chỉ được 50.000 đồng. Họ đều vui vẻ bỏ vào túi, không nói gì. Rồi ra hiệu hẹn ngày mai cũng tại chỗ này, họ sẽ lại gặp nhau để mua bán những gì tìm được trong một ngày dưới lòng sông Tang.
Ở Tây Trà bây giờ đang là mùa đót. Mọi năm, khi những cánh rừng đót nở trắng trên sườn đồi thì trai gái trong làng đều rủ nhau vào rừng hái đót để bán. Còn năm nay, đót nở cứ nở, bà con đồng bào dân tộc thiểu số sống dọc theo bờ sông Tang chẳng màng tới chuyện lên rừng hái đót nữa. Họ trở ra sông tìm vàng! Chính vì ồ ạt đổ về sông Tang đào bới đã khiến dòng sông đẹp của núi rừng Tây Trà bỗng chốc trở nên nham nhở, đỏ ngầu. Nhiều già làng không đồng tình với người dân làng mình "phá sông" đã ra sức khuyên nhủ. Thế nhưng, nghe sự khuyên bảo vài hôm, họ lại vác mâm đãi ra sông...
Quyết liệt "ra tay" ngăn chặn!
Chuyện khai thác vàng sa khoáng trái phép ở huyện Tây Trà thời gian gần đây đã diễn ra liên tục. Chính quyền và ngành chức năng đã tổ chức nhiều đợt ra quân đẩy đuổi, tịch thu phương tiện máy móc. Thế nhưng, vì hám lợi, đội quân "vàng tặc" vẫn chưa buông tha sông Tang. Trái lại, còn tổ chức đưa phương tiện, máy móc hiện đại, quy mô hơn và sông Tang tiếp tục hoành hành.
Dòng sông Tang từng là niềm tự hào của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Trà, những người yêu mến dòng sông này chỉ biết ngao ngán thở dài nhìn dòng sông đang trong tình trạng bức tử. Tình trạng khai thác vàng sa khoáng rầm rộ như thế, nhưng trước các kỳ họp do huyện tổ chức, các xã có "vàng tặc" vẫn một mực khẳng định: Không có chuyện khai thác vàng trên sông Tang!
Thực ra, nếu chỉ dựa vào báo cáo của chính quyền xã thì chúng tôi cũng không thể biết được "vàng tặc" đang phá nát con sông Tang của Tây Trà. Bởi vậy, thiết nghĩ chính quyền huyện và ngành chức năng cần tổ chức lực lượng đi kiểm tra thực tế, để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Đặc biệt là tổ chức vận động người dân địa phương không nghe theo kẻ xấu, bỏ công ăn việc làm tham gia đào đãi vàng trái phép. Đó là việc cần làm ngay, vì mỗi ngày trôi qua, dòng sông này lại phải chịu thêm sự băm nát của "vàng tặc". Hơn nữa, việc để "vàng tặc" ngang nhiên đào đãi vàng trái phép còn gây mất an ninh trật tự, ảnh hướng đến mọi mặt của đời sống xã hội trên địa bàn huyện.
Bài, ảnh: THANH NHỊ