(QNg)- Quy hoạch đi trước một bước sẽ đem lại bộ mặt nông thôn, đô thị khang trang, nhưng với người dân xóm Cát ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) quy hoạch lại trở thành vấn nạn đối với người dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
"Sống mòn" trong khu quy hoạch
Rẽ vào con đường nhỏ ở thị trấn Trà Xuân, đập vào mắt chúng tôi là hàng chục ngôi nhà cũ kỹ, nhiều ngôi nhà đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Đây là nơi 24 hộ dân xóm Cát với hàng chục con người đang sinh sống, trên khu đất nằm trong diện quy hoạch sân vận động huyện Trà Bồng nên dù nhà hư hỏng vẫn không được xây mới.
Dẫn chúng tôi vào căn nhà ẩm thấp, bà Trần Thị Lai (57 tuổi) búc xúc: Nhà xuống cấp muốn cải tạo, sửa chữa, có tiền xây dựng nhà mới, cũng chẳng dám. Bà con chúng tôi chờ đợi đã quá lâu mà chẳng thấy động tĩnh gì? Không biết chúng tôi còn chờ đợi đến khi nào nữa? Chúng tôi không biết "mặt mũi quy hoạch" là thế nào, chỉ mong dự án nhanh chóng thực hiện để người dân ổn định cuộc sống.
Theo bà Lai và nhiều hộ dân ở xóm Cát, khoảng năm 1985, những hộ dân ở xóm Cát, nhận được thông báo của chính quyền địa phương, khu vực xóm Cát được quy hoạch để làm sân vận động huyện. Chưa kịp mừng, người dân "vùng quy hoạch" đã phải rầu rĩ vì kể từ thời điểm ấy, 24 hộ dân xóm Cát rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Cũng vì lý do đất thuộc trong vùng quy hoạch nên người dân không được cấp sổ đỏ, nhà cửa cũng không thể xây dựng... Cứ thế, cuộc sống của người dân xóm Cát cái gì cũng tạm: nhà tạm, đường tạm... vì không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa.
Chúng tôi ghé vào thăm nhà bà Trần Thị Mỹ (52 tuổi), trong căn nhà tạm bợ, bà Mỹ thở dài, ngán ngẩm cho biết, mấy chục năm qua, gia đình bà sống cứ như thế. Người ta nói an cư thì mới lạc nghiệp, trong khi 24 hộ dân chúng tôi sống mà không thể yên tâm. Sửa chữa, xây nhà mới thì không được phép, xin cấp sổ đỏ để thế chấp ngân hàng vay vốn làm ăn, cho con ăn học... cũng đành "bó tay". Chính vì thế đời sống nơi đây dường như bị "giậm chân tại chỗ".
Do vướng quy hoạch "treo" hàng chục năm nên 24 hộ dân xóm Cát, thị trấn Trà Xuân phải sống trong những căn nhà tạm bợ vì không được xây mới và sửa chữa. |
"Chúng tôi muốn biết dự án có tiếp tục triển khai nữa hay không. Nếu có thì đến bao giờ? Rất nhiều lần, các hộ dân ở đây gửi kiến nghị lên các cấp chính quyền. Chính quyền thị trấn bảo chờ hỏi huyện, huyện thì bảo chờ hỏi tỉnh, rồi tất cả rơi vào... im lặng. Tại các cuộc họp, các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, các hộ dân cũng nhiều lần lên tiếng nhưng cuối cùng… đâu cũng vào đấy. Quy hoạch cũng chỉ là quy hoạch mà người dân bức xúc thì vẫn hoàn… bức xúc!"- Bà Lai bày tỏ.
"Treo" đến bao giờ?
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Kim Trinh- Chủ tịch UBND thị trấn Trà Xuân khẳng định, việc 24 hộ dân xóm Cát đang gặp khó khăn do quy hoạch "treo" là có thật. Việc kéo dài quy hoạch đã gây ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế của người dân địa phương. Thế nhưng, chính quyền thị trấn chỉ có thể khuyến khích, vận động người dân "gắng đợi"! Trong thời gian chờ, địa phương cho phép các hộ dân có nhà tạm bợ được sửa chữa nhỏ để ở tạm.
Nói về việc quy hoạch "treo" sân vận động huyện, ông Hồ Văn Thế - Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng thừa nhận: Việc quy hoạch xóm Cát để xây dựng sân vân động có từ lâu, nhưng không nhớ rõ thời gian quy hoạch bao nhiêu lâu? Vì thời gian quá lâu, nên ông chỉ nhớ khoảng gần 15 năm? (trong khi đó, người dân xóm Cát khẳng định là gần 30 năm?). Trả lời câu hỏi của chúng tôi, tại sao công trình Sân vận động huyện đã được quy hoạch cách đây nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được xây dựng? Ông Hồ Văn Thế cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu khiến quy hoạch kéo dài nhiều năm không triển khai được là do thiếu nguồn vốn để thiết kế, đền bù, giải phóng mặt bằng...Bởi số tiền đền bù khu vực này khá lớn, khoảng 10 tỷ đồng. Nguồn vốn huyện tập trung cho những dự án khác, cần thiết, búc xúc về kinh tế xã hội nên dự án sân vận động phải "dừng lại" ngần ấy năm.
Ông Thế cho biết thêm: Sắp tới, huyện sẽ tiến hành họp duyệt quy hoạch thị trấn Trà Xuân giai đoạn 2, sẽ tính toán và trả lời dứt điểm cho bà con, theo hướng không quy hoạch nữa. Chuyển dự án sân vận động sang địa điểm khác. Vì theo ông chủ tịch huyện, địa điểm này không đủ tiêu chuẩn. Còn chuyển sân vận động đến địa điểm mới nào thì chưa biết?
Chỉ vì một dự án quy hoạch "treo", phải bắt người dân chịu đựng những thiệt thòi hàng chục năm qua, như vậy có hợp lý hay không? Hiện tại cuộc sống của 24 hộ dân gặp rất nhiều khó khăn và đang chờ hướng giải quyết hợp tình, hợp lý của chính quyền huyện Trà Bồng.
Bài, ảnh: Ngọc Đức