Ngành tư pháp Quảng Ngãi: Xác định trọng tâm, tạo đột phá, giảm phiền hà

10:02, 28/02/2011
.

(QNg)- Bám sát các văn bản của Trung ương và của tỉnh, xác định đúng đắn các nhiệm vụ trọng tâm, chủ động nắm bắt cơ hội, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức... là phương châm hành động mà ngành Tư pháp tỉnh ta đặt ra trong năm 2011.   
 

Năm 2011 được ngành tư pháp tỉnh xác định là năm khởi đầu của giai đoạn mới trong tiến trình thực hiện công cuộc cải cách tư pháp, cải cách pháp luật và cải cách hành chính, với nhiệm vụ tạo lập một nền tảng pháp lý cho sự đổi mới căn bản tổ chức cũng như hoạt động của ngành. Trong đó ngành đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ chính cần tập trung thực hiện, gồm: xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao chất lượng về hoạt động hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý; tiếp tục kiện toàn và tổ chức xây dựng đội ngũ cán bộ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối làm việc.
 
 
Nhân dân xã vùng cao Sơn Ba (Sơn Hà) tìm hiểu pháp luật qua tờ rơi được cấp phát.
Nhân dân xã vùng cao Sơn Ba (Sơn Hà) tìm hiểu pháp luật qua tờ rơi được cấp phát.

Bà Bùi Thị Lệ Thủy - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: "Các nhiệm vụ trọng tâm này sẽ được lồng ghép, gắn với thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của trung ương, tỉnh và ngành tư pháp. Từ đó tạo bước đột phá, nhân rộng điển hình, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng xã hội".

Hoạt động tư pháp liên quan đến quyền và lợi ích thiết thân của nhiều tổ chức, công dân trong xã hội. Đặc biệt là việc tham mưu soạn thảo các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong tình hình mới. Năm 2011 ngành Tư pháp tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về tiến độ và chất lượng thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo kết hợp chặt chẽ với việc rà soát thủ tục hành chính; chủ động tham gia sớm vào quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhằm đánh giá chính xác tính khả thi, tác động của văn bản đối với đời sống xã hội, kịp thời loại bỏ những mâu thuẫn, chồng chéo; đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền pháp luật, để nhân dân trong tỉnh nắm bắt, chấp hành pháp luật.

Đặc biệt là các văn bản có liên quan mật thiết đến đời sống của nhân dân như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai và các văn bản liên quan, Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Chương trình phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, HIV/AIDS… Năm nay, ngành tiếp tục chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số, giúp đồng bào nắm bắt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để góp phần đưa chủ trương, chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống. 

Năm 2011 ngành Tư pháp tiếp tục tạo đột phá trong cải cách hành chính, giảm phiền hà cho tổ chức, công dân khi quan hệ giải quyết hồ sơ hành chính thông qua việc nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận "một cửa", "một cửa liên thông". Hiện tại các lĩnh vực tư pháp, hộ tịch, chứng thực, công chứng tại nhiều địa phương đã được thực hiện theo cơ chế cải cách thủ tục hành chính, được nhân dân đồng tình. Thời gian giải quyết, quy trình, thủ tục đã được ngành tư pháp rút ngắn tối đa, nhiều thủ tục được giải quyết trả kết quả ngay tại chỗ, giảm đáng kể thời gian chờ đợi so với trước đây.

 Giám đốc Sở Tư pháp Bùi Thị Lệ Thủy cho biết: "Ngành sẽ tăng cường  ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hành chính tư pháp; xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp; tập trung bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ hộ tịch cấp huyện, cấp xã theo hướng chuyên nghiệp hoá. Từ đó nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, công dân, xây dựng thói quen tác nghiệp khoa học, tạo môi trường thuận lợi hướng đến thực hiện nền hành chính điện tử". 
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ

.