Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam

08:09, 06/09/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, người chiến sỹ kiên cường của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trọn đời hy sinh phấn đấu vì sự nghiệp cao cả của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc. Cuộc đời hoạt động, cống hiến cho Đảng, cho cách mạng và Nhân dân Việt Nam của Lê Hồng Phong đã để lại cho chúng ta một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng của người cộng sản tài năng hết lòng vì nước, vì dân. 
 
* Một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng
 
Tổng Bí thư Lê Hồng Phong sinh ngày 6/9/1902 trong một gia đình nông dân ở xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, vùng đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng. Chứng kiến cuộc sống của nhân dân cơ cực dưới ách thống trị, bóc lột của chế độ phong kiến, thực dân, Lê Hồng Phong sớm nung nấu tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng cứu nước, cứu dân.
 
Sau khi học xong bậc Sơ học yếu lược, Lê Hồng Phong đến làm việc tại Nhà máy Diêm-Bến Thủy, thành phố Vinh, sau khi vận động công nhân đứng lên đấu tranh, Lê Hồng Phong bị đuổi việc. Năm 1923, Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái bí mật sang Thái Lan, rồi đến Quảng Châu, Trung Quốc tìm con đường làm cách mạng và gia nhập tổ chức Tâm Tâm Xã.
 
  Đến năm 1924 Lê Hồng Phong tham dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh phụ trách và trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng nước ta được trang bị lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong quá trình hoạt động và lãnh đạo, đồng chí đã chủ trì công việc của Đảng ta trong thời kỳ cách mạng bị thực dân Pháp khủng bố ác liệt sau cao trào Xô Viết Nghệ-Tĩnh và tham gia soạn thảo “Chương trình hành động của Đảng”. Sau khi tốt nghiệp trường quân sự Hoàng Phố, từ tháng 10/1926 đến cuối năm 1927 học tại trường Lý luận Quân sự Không quân ở Lê-nin-gờ-rát, tháng 11/1931 được cử về nước tham gia Ban Chấp hành Trung ương.
 
Vào các năm 1932 đến 1933, bằng năng lực và quyết tâm rất cao, đồng chí Lê Hồng Phong bước đầu hoàn thành trọng trách được Quốc tế Cộng sản giao cho như: Xây dựng lại hệ thống tổ chức của Đảng ta trong cả nước; khôi phục các cơ sở cách mạng và khơi dậy niềm tin của quần chúng, nhân dân đối với Đảng và cách mạng.
 
Tháng 3/1934, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hồng Phong, Hội nghị thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng được tiến hành. Từ đó, Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, với vai trò như Ban Chấp hành Trung ương lâm thời đã có tác động rất to lớn đối với phong trào cách mạng trong nước lúc bấy giờ. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là củng cố, duy trì niềm tin của quần chúng, nhân dân đối với Đảng và cách mạng, đồng thời khẳng định sức sống mãnh liệt cũng như vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, không một thế lực nào có thể khuất phục được.
 
*Nhà lãnh đạo kiên trung và tài năng
 
Tháng 7/1935, tại Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản, Đảng ta được công nhận là Chi bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản. Lê Hồng Phong được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, đồng chí đã đọc tham luận về phong trào cách mạng Đông Dương. Vào thời điểm đó, Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Đảng đã tiến hành thành công, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
 
Tháng 7/1936, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong cùng với Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Thượng Hải, quyết định chuyển hướng mục tiêu và nhiệm vụ của cách mạng, thành lập Mặt trận Nhân dân phản đế Đông Dương, đặt tiền đề cho cao trào đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh sau này. Tháng 11/1937, đồng chí trở về hoạt động tại Sài Gòn, cùng với Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng, tập hợp đông đảo quần chúng và các lực lượng tham gia đấu tranh đòi tự do ngôn luận, dân chủ, dân sinh và chống phát xít.
 
Ngày 22/6/1939 Tổng Bí thư Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt tại Chợ Lớn, (Sài Gòn), kết án 6 tháng tù, cuối năm 1939 chúng đưa đồng chí về quản thúc tại quê nhà Nghệ An. Ngày 20/01/1940, thực dân Pháp bắt giam Tổng Bí thư Lê Hồng Phong lần thứ hai, giam tại Khám Lớn, Sài Gòn, sau đó đày ra Côn Đảo. Tại đây, khi biết Lê Hồng Phong là nhân vật quan trọng của Đảng ta, kẻ thù đã hành hạ, tra tấn đồng chí rất dã man. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo cách mạng vẫn nêu cao chí khí, tích cực chỉ đạo anh em, đồng chí bị giam cầm đấu tranh chống địch tra tấn, đánh đập cũng như những luật lệ hà khắc của nhà tù thực dân.
 
Do đòn thù và bệnh tật làm cho sức khỏe hao mòn, suy kiệt; sau khi có lời nhắn lại:“Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng.”, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 6/9/1942.
 
Tổng Bí thư Lê Hồng Phong thuộc lớp chiến sĩ cách mạng tiền bối, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, chiến sĩ cách mạng kiên cường của phong trào cộng sản quốc tế. Nhà lãnh đạo Lê Hồng Phong, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ chí Minh, người cộng sản trung kiên bất khuất, vì nước, vì dân để các thế hệ người Việt Nam học tập và ngợi ca.
 
Bốn mươi tuổi đời, gần 20 năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, tên tuổi của đồng chí Lê Hồng Phong gắn liền với lịch sử đấu tranh hào hùng của Đảng và dân tộc ta. Cuộc đời của đồng chí là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước, dành trọn đời cống hiến, hy sinh cho độc lập tự do của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Tên tuổi và sự nghiệp vẻ vang của nhà cách mạng Lê Hồng Phong luôn sống mãi với Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam.
 
Tự hào kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là dịp để mỗi mỗi chúng ta ôn lại và tôn vinh công lao to lớn của nhà lãnh đạo tiền bối đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Từ đó tiếp tục vững tin hơn nữa vào sự lãnh đạo của Đảng và công cuộc đổi mới, trên đường hội nhập, phát triển của đất nước cũng như quê hương Quảng Ngãi anh hùng.
 
TUẤN ANH
 
 
 
 
 
 
 
 

.