Nhận diện rõ để đấu tranh

01:12, 17/12/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá, hòng làm suy yếu Đảng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Do đó, việc nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, chia rẽ, phá hoại mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. 
[links()]
 
Nhận diện thủ đoạn của các thế lực thù địch
 
Các thế lực thù địch có mặt cả trong và ngoài nước, luôn tìm cách chống phá bằng các luận điểm tuyên truyền trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.  
 
Chúng xuyên tạc thể chế nhất nguyên chính trị, một đảng cầm quyền ở Việt Nam. Theo chúng, đó là thể chế “phi dân chủ”, đi ngược lại quy luật phổ biến trong quan hệ “kinh tế quyết định chính trị”, là đa thành phần kinh tế thì phải đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Chúng cho rằng, “không thể có dân chủ trong chế độ một đảng cộng sản duy nhất cầm quyền ở Việt Nam”, vì thế cần “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Chúng xuyên tạc mô hình và cơ chế vận hành của hệ thống chính trị - Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; đòi thực hiện “tam quyền phân lập”...
 
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Lê Văn Quân, ở thôn 6, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) vì đã có hành vi chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.                           Ảnh: TL
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Lê Văn Quân, ở thôn 6, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) vì đã có hành vi chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Ảnh: TL
Cùng với đó, chúng xuyên tạc các quyết sách chính trị của Đảng trong lịch sử cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Nâng hiện tượng lên thành bản chất, quy kết hành vi sai phạm của một bộ phận cán bộ, đảng viên thành chủ trương của các cấp ủy, chính quyền trong thực hiện quyết sách chính trị của Đảng. Chúng còn bóp méo, làm giả sự việc, hình ảnh của các lực lượng chức năng trong thực hiện nhiệm vụ rồi vu cáo đàn áp nhân dân. Đây là thủ đoạn rất phổ biến, gây hoang mang trong nhân dân, làm “mồi lửa” để một bộ phận người dân vì nhẹ dạ, cả tin mà bị kích động, lôi kéo vào các hoạt động chống phá chính quyền...
 
Nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài
 
Đấu tranh chống các thế lực thù địch xuyên tạc, chia rẽ, phá hoại mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân là nhiệm vụ quan trọng, liên tục, thường xuyên và lâu dài, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị ở mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phải gắn lý luận với thực tiễn, đảm bảo tính khoa học, tính thuyết phục để nâng cao hiệu quả đấu tranh với các thế lực thù địch và định hướng nhận thức đúng đắn cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Quán triệt sâu sắc và kiên trì thực hiện nguyên tắc tính đảng trong đấu tranh tư tưởng. Đảm bảo thực hiện “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân”, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, mọi chủ trương, chính sách đều phải “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Thực hiện phương châm đấu tranh “gắn xây với chống”.  
 
Luận cứ để đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, đó là không thể nói thể chế nhất nguyên chính trị, một đảng cầm quyền ở Việt Nam là “phi dân chủ”, cũng không thể nói đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mới là dân chủ. Lúc còn là Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư) đã trả lời phỏng vấn báo chí Ấn Độ: “Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, hai đảng thì ít dân chủ hơn và một đảng thì ít dân chủ nữa, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên không? Đó là tiêu chí quan trọng nhất”.
 
Với cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo giải quyết những lợi ích thiết thực của người dân như quyền tự do, dân chủ, các vấn đề dân sinh, dân trí. Người dân quan tâm, hưởng ứng, thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng; tham gia bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp; tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên; tham gia bồi dưỡng kết nạp quần chúng vào Đảng... thể hiện sự thống nhất, đồng tâm của người dân với Đảng. Nhà nước không ngừng hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền làm chủ của nhân dân. Thông qua đó, nhân dân làm chủ trực tiếp thông qua quyền bầu cử, quyền ứng cử; thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội thông qua MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội khác; thực hiện quyền đối thoại dân chủ trực tiếp giữa nhân dân với chính quyền, góp ý trực tiếp đối với các dự luật...
 
Giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh
 
Một là, nhận diện các nhóm đối tượng dễ bị tác động tiêu cực bởi các quan điểm sai trái, thù địch để có biện pháp thích hợp. Những người hạn chế về nguồn thông tin và năng lực tiếp cận, xử lý thông tin (tập trung ở nông thôn, miền núi, người dân tộc thiểu số...) cần được Nhà nước đầu tư phủ sóng Internet, cung cấp báo chí, thường xuyên tổ chức cho họ tham gia các cuộc họp đoàn thể, khu dân cư... để cung cấp thông tin chính thống, cập nhật. Những người lập trường tư tưởng không vững vàng, dễ bị sa vào xu hướng tiêu cực cần tổ chức cho họ tham gia các lớp học, diễn đàn sinh hoạt chính trị tư tưởng. Những người từng bị oan sai, tổn thất do sự tắc trách, tiêu cực của các cơ quan chức năng, cán bộ, công chức thực thi công vụ, thường có xu hướng nghi ngờ, mất niềm tin vào Đảng, chính quyền, cần được bồi thường tổn thất về tinh thần và vật chất, động viên, tạo điều kiện cho họ trở lại trạng thái tâm lý bình thường thông qua các phong trào quần chúng ở cơ sở. Những người từng vi phạm pháp luật, bị cơ quan chức năng xử lý, đã được tuyên truyền, giáo dục nhưng chưa nhận thức hết sai phạm, cần thường xuyên theo dõi, nhắc nhở, cảnh báo để không bị các thế lực thù địch kích động, xúi giục, lôi kéo.
 
Hai là, tăng cường trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nâng cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, đoàn viên trong công tác đấu tranh tư tưởng. Cần khắc phục tình trạng buông lỏng lãnh đạo, quản lý, xa rời công tác tập hợp, giáo dục, hỗ trợ, động viên các lực lượng trong đấu tranh tư tưởng. Quán triệt và cụ thể hóa Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị phù hợp với tình hình địa phương, lĩnh vực. Khắc phục tình trạng ngại khó, dẫn đến thờ ơ, đứng ngoài cuộc của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. 
 
Xác định tham gia đấu tranh với các thế lực thù địch là một trách nhiệm, nên cần có quyết tâm và nỗ lực. Khi có nhận thức đúng đắn, đầy đủ trách nhiệm, có trình độ lý luận chính trị cao, có kỹ năng nắm bắt, sàng lọc, xử lý thông tin tốt, có tâm huyết và bản lĩnh chiến đấu của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, thì mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. 
 
Ba là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo hiện thực hóa mục tiêu “củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN” theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây là biện pháp lâu dài, nhưng là vũ khí sắc bén nhất để đả phá các quan điểm sai trái, thù địch. Để làm được điều đó, cần “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ... 
 
Bốn là, thường xuyên sơ kết, tổng kết, nghiên cứu đánh giá kết quả đấu tranh, rút kinh nghiệm, đề xuất các vấn đề cần tiếp tục, hình thành hệ thống phương pháp, luận cứ khoa học để đấu tranh có hiệu quả hơn. Phát huy thành tựu của cách mạng 4.0 để lan tỏa các giá trị tốt đẹp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm vũ khí sắc bén nhất để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chia rẽ, phá hoại mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
 
Tiến sĩ TRƯƠNG THỊ BẠCH YẾN
 
 
 
 

.