(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đây là lời hịch cứu nước, cổ vũ, thôi thúc và động viên toàn dân tộc nhất tề đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm để giành độc lập cho dân tộc. Lời kêu gọi đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là bài học đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
[links()]
Sục sôi lòng yêu nước
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chấm dứt chế độ thực dân và phong kiến ở nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tuy vậy, đất nước ta lúc bấy giờ đứng trước hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài. Phía bắc hơn 20 vạn quân Tưởng, đi cùng là bọn Việt Quốc, Việt Cách với âm mưu “Diệt Cộng, cầm Hồ”. Phía nam, thực dân Pháp núp sau quân đội Anh vào giải giáp quân Nhật nhưng thực chất là muốn cướp nước ta lần nữa. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ sung xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Với sức mạnh quân sự và vũ khí vượt trội, thực dân Pháp thực hiện âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh”.
|
Di tích nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh |
Vì muốn hòa bình nên Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân nhượng ký với thực dân Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946. Nhưng với dã tâm xâm lược đất nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã bội ước, cuối tháng 11/1946, quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, thị xã Lạng Sơn và Đà Nẵng. Tại Hà Nội, ngày 17/12/1946, chúng phá các công sự của quân dân thủ đô ở phố Hàng Bún - Yên Ninh, gây đổ máu ở khu vực cầu Long Biên, Cửa Đông (Hà Nội). Ngày 18/12/1946, tướng Louis Morlière gửi cho Chính phủ Việt Nam tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, giải tán lực lượng tự vệ, bàn giao quyền kiểm soát an ninh ở Hà Nội.
Trước hành động hiếu chiến của thực dân Pháp, Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Để hiệu triệu toàn dân đứng lên chống Pháp và có đường lối lãnh đạo cách mạng, ngày 19/12/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng, thay mặt Chính phủ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Vào lúc 20 giờ ngày 19/12/1946, tiếng đại bác từ pháo đài Láng hiệu lệnh toàn quốc kháng chiến được phát ra, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược bùng nổ trên phạm vi cả nước. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi cả nước, với quyết tâm cao độ là đánh thắng giặc Pháp xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.
|
Cán bộ và nhân dân Quảng Ngãi đón cụ Huỳnh Thúc Kháng (thứ hai, bên phải sang) về chỉ đạo kháng chiến chống Pháp tại Nam Trung bộ năm 1946. Ảnh: TL |
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là lời hịch cứu nước, có tác dụng cổ vũ, thôi thúc và động viên toàn dân nhất tề đứng lên đánh giặc. Để huy động sức mạnh, tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. Lời hiệu triệu của Người là tiếng gọi thiêng liêng của non sông, đất nước, thôi thúc cả dân tộc bước vào cuộc chiến đấu mới để giành độc lập dân tộc.
Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi đã nhất tề đứng lên kháng chiến với ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, ra sức thi đua xây dựng Quảng Ngãi thành hậu phương vững chắc ở Liên khu 5, cung cấp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp. Với tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi đã làm nên những thắng lợi bước đầu, tạo nền tảng cho những chiến công oanh liệt về sau, đi đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc. |
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Ủy ban Hành chính tỉnh đã lập kế hoạch cụ thể và kêu gọi nhân dân sẵn sàng chuẩn bị chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Dựa vào tình hình đang xảy ra tại Quảng Ngãi và của các tỉnh Nam Trung bộ, Hội nghị Tỉnh ủy nhận định, trong thời gian đầu địch chưa thể tiến công đánh chiếm Quảng Ngãi. Vì vậy, công việc chính lúc này là phải tập trung sức lực xây dựng Quảng Ngãi trở thành hậu phương chủ yếu cho vùng tạm chiếm, phục vụ tích cực cho tiền tuyến, trực tiếp là mặt trận Kon Tum và bắc Quảng Nam. Để bảo đảm an toàn khi bị thực dân Pháp oanh tạc, tiến công, các cơ quan lãnh đạo, công xưởng, nhân dân phải sơ tán ra khỏi thị xã về các vùng nông thôn, miền núi. Để chủ động đối phó với tình hình, Hội nghị Tỉnh ủy đã vạch ra những kế hoạch cụ thể.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, các cấp chính quyền, nhân dân trong tỉnh đã khẩn trương chuẩn bị đối phó với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban hành chính và Ủy ban kháng chiến, các ban “phá hoại”, “xây dựng phòng tuyến”, “tản tiếp cư” được thành lập. Nhiều nhà cửa kiên cố ở thị xã và các thị trấn có thể là điểm tấn công của địch được nhân dân tự nguyện phá dỡ. Hàng chục nghìn người thuộc mọi tầng lớp nhân dân, lứa tuổi đổ ra đường đào đắp, cuốc phá. Những con đường chính Quốc lộ 1, tỉnh lộ, huyện lộ... đều bị chia cắt thành nhiều đoạn để cản bước tiến của địch. Nhiều cầu, cống được tháo dỡ. Đặc biệt, là đường sắt chạy qua Quảng Ngãi đã được nhân dân tháo dỡ đường ray, tà vẹt đem cất khi cần mới đem ra lắp lại.
|
Di tích Trụ sở Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung bộ, ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành). Ảnh: Thanh Quang |
Nhiều hầm trú ẩn các loại được đào ở khắp các nơi. Các thôn, xã đều dựng chướng ngại vật, đào giao thông hào, địa đạo, làng xóm được rào kỹ đề phòng sự đổ bộ xâm nhập của thực dân Pháp và bọn Việt gian. Đến tháng 3/1949, nhân dân đã đào được 11 nghìn hầm các loại. Nhiều tỉnh trong Liên khu 5 đã cử người về Quảng Ngãi học tập rút kinh nghiệm trong việc đào hầm, hào... Ở các huyện có đồi núi trọc, nhân dân đã cắm nhiều cọc tre ngăn địch nhảy dù. Nhiều trạm gác bí mật, trạm truyền tín hiệu được thành lập ở nhiều nơi. Nhờ vậy đã kịp thời báo tin cho nhân dân và khi địch tiến công, ta ít bị thiệt hại.
Công tác phòng gian bảo mật, cảnh giác chống bọn gián điệp xâm nhập vùng tự do đã được các cấp chính quyền, các hội, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Nhân dân thực hiện nghiêm khẩu hiệu “ba không”, đồng bào đã phát hiện nhanh chóng những tên gián điệp được tung vào vùng tự do, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ đổ bộ, tiến công của địch. Trong một thời gian dài Quảng Ngãi là căn cứ an toàn của các cơ quan đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ, của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của Liên Khu ủy, của Bộ Chỉ huy Quân sự Liên khu 5, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ...
Để bảo vệ vững chắc vùng tự do Quảng Ngãi, Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh đã xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang địa phương. Bên cạnh việc chỉ đạo, giáo dục tư tưởng cách mạng cho lực lượng vũ trang, Tỉnh ủy đã đề ra một số biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng, củng cố lực lượng dân quân du kích. Đến cuối năm 1949, đã xây dựng được 46.465 du kích xã, 10.060 dân quân tự vệ, 3.360 bạch đầu quân, 2.348 nữ dân quân, 1.865 du kích là đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh có hai đại đội dân quân tự vệ tập trung, các huyện đồng bằng đều có một đại đội địa phương. Tỉnh ủy còn lãnh đạo các ngành vận động nhân dân đóng góp tiền, của để xây dựng “Quỹ nuôi quân”, “Quỹ mua sắm vũ khí”, “Quỹ mùa đông binh sĩ”...
Các ngành, đoàn thể, tổ chức Việt Minh còn động viên thanh niên hăng hái tham gia tòng quân, giết giặc. Chỉ trong một thời gian ngắn, có 15 nghìn thanh niên tham gia tòng quân đi chiến đấu ở các chiến trường Liên khu. Tỉnh ủy chỉ đạo Tỉnh đội mở nhiều lớp huấn luyện quân sự cho dân quân, du kích... Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi hừng hực khí thế đấu tranh chống giặc ngoại xâm, để giành lại hòa bình, độc lập dân tộc.
Trải qua 75 năm, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, đó là lời hiệu triệu toàn dân tộc và bài học kinh nghiệm về đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Truyền thống yêu nước, đoàn kết quý báu của dân tộc sẽ là nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
TRẦN DƯ - QUANG HUY