(Báo Quảng Ngãi)- Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã nêu bật những thành tựu, cũng như nhận ra những yếu kém trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông (HTGT) trong nhiệm kỳ qua và đặt ra mục tiêu trong nhiệm kỳ đến. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, cách xây dựng mục tiêu vẫn còn chung chung, cũng như chưa có định hướng lâu dài.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Phải xây dựng trục giao thông đông – tây
Trong dự thảo Báo cáo chính trị cho thấy, qua 5 năm thực hiện đầu tư HTGT đã từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng. Trong đó, những dự án trọng điểm được xác định trong Nghị quyết XIX như: Cầu Cửa Đại, cầu Thạch Bích, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Trì Bình - Dung Quất (giai đoạn 1), cảng Bến Đình... đã được đầu tư, đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của tỉnh.
Cảng Dung Quất cần được nâng cấp và mở thêm nhiều tuyến kết nối để tăng tính hiệu quả. |
Tuy vậy, báo cáo cũng nhận ra những khiếm khuyết, trong đó HTGT vẫn chưa thực sự hoàn thiện như kỳ vọng, tính kết nối còn thấp... Do vậy, trong nhiệm kỳ đến, Tỉnh ủy xác định sẽ tập trung huy động các nguồn lực đầu tư và đưa vào sử dụng các dự án HTGT trọng điểm: Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (giai đoạn 2a), cầu Trà Khúc 1, đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc, đường nối từ cầu Thạch Bích đến Tịnh Phong, Quốc lộ 24B (Km23 - Km57), đường Phan Đình Phùng nối dài. Tích cực, chủ động phối hợp để đầu tư đường cao tốc Quảng Ngãi - Bình Định; nâng cấp Cảng hàng không Chu Lai; nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường trung tâm TP.Quảng Ngãi, đường huyện và đường xã theo quy hoạch... Phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 90% đường huyện, 60% đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, cứng hóa. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đường thủy nội địa theo quy hoạch, hình thành, phát triển các tuyến từ đất liền đi Lý Sơn...
Định hướng và mục tiêu mà dự thảo Báo cáo chính trị đề ra là khá tổng thể. Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, Báo cáo chính trị cần tập trung làm rõ những vấn đề then chốt. Trong đó, phải xác định rõ các công trình đầu tư vào HTGT phải mang ý nghĩa chiến lược, phù hợp với quy hoạch tổng thể của tỉnh và có tầm nhìn dài hạn.
Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Nguyễn Văn Luyện cho rằng: Hiện nay, quá trình đầu tư HTGT đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại và trung chuyển hàng hóa. Song, đó mới chỉ là trục nam - bắc. Đối với trục đông - tây vẫn chưa được quan tâm. Đơn cử như tuyến giao thông quan trọng là Quốc lộ 24 kết nối với Tây Nguyên, hiện mới chỉ phục vụ giao thông cơ bản, chưa thể trở thành tuyến đường động lực trong phát triển kinh tế.
“HTGT là động lực để phát triển KT - XH, tạo nên các chỉ tiêu tăng trưởng. Quảng Ngãi có lợi thế lớn về hạ tầng trục ngang và sân bay, đường sắt. Tuy nhiên, trục dọc lại quá chênh lệch. Trong khi tiềm năng của tuyến Quốc lộ 24 là rất lớn. Do đó, tôi cho rằng, dự thảo cần đánh giá lại cơ sở hạ tầng, phải khắc phục được nhược điểm này để tăng tính kết nối với Tây Nguyên, đảm bảo cho xe container đi lại. Khi tuyến giao thông này được đầu tư đúng mức không những hàng hóa từ các tỉnh Tây Nguyên đổ về cảng Dung Quất, mà nhiều khả năng hàng hóa từ các nước như Lào, Campuchia, thậm chí là Thái Lan, Myanma cũng sẽ chọn tuyến đường này để xuất đi các thị trường”, ông Luyện gợi mở.
Cảng Dung Quất phải là cú đấm thép
Nguyên Giám đốc Sở GTVT Cao Xuân Thủy cho hay: Quy hoạch phát triển HTGT của tỉnh trong những năm qua đã cho thấy quyết tâm của tỉnh trong quá trình chuyển mình, để sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Đó là quy hoạch các tuyến đường kết nối với KKT Dung Quất. Trong đó, tuyến đường Tịnh Phong - Dung Quất chính là bước khởi đầu cho “trái tim” kinh tế của tỉnh thêm động lực để bứt phá.
“Hiện nay, đường về cảng Dung Quất rất hạn chế. Một cảng biển lớn mang tầm khu vực, nhưng chỉ đáp ứng cho các doanh nghiệp trong KKT, hàng hóa nông, lâm sản trong tỉnh thì chưa xứng tầm. Đây là hạn chế về cơ sở hạ tầng trong định hướng phát triển cảng Dung Quất”, ông Thủy nhìn nhận.
Trong khi đó, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Kim Hiệu cho biết: Ngày trước, Chính phủ và tỉnh xác định Dung Quất phải trở thành điểm sáng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nên sau đó mới quy hoạch mở rộng lên hơn 45 nghìn hecta. Nhưng sau 20 năm, Dung Quất vẫn chưa cho thấy sự bứt phá rõ ràng. Vì vậy, nghị quyết lần này cần phải xác định rõ mục tiêu đầu tư, công trình, dự án trọng điểm nào để thúc đẩy Dung Quất phát triển. Tránh đầu tư dàn trải, dẫn đến hiệu quả không cao.
“Báo cáo chính trị phải đánh giá lại năng lực thực tế của cảng Dung Quất hiện nay như thế nào, đã đầu tư xây dựng và khai thác được bao nhiêu %. Muốn phát triển thành cảng tổng hợp thì phải đánh giá lại, kể cả HTGT kết nối. Khi hàng hóa nhiều lên thì chi phí mới giảm được, tăng tính cạnh tranh so với các cảng biển khác. Do đó, báo cáo nhất thiết phải làm rõ những mục tiêu cụ thể, phải tăng tính kết nối, nhất là với vùng kinh tế nhiều tiềm năng như Tây Nguyên. Chúng ta phải xác định mục tiêu trọng điểm để đầu tư, vì Dung Quất muốn trở thành “cú đấm thép” của nền kinh tế, thì Dung Quất phải thông ra thế giới bên ngoài từ nhiều hướng, chứ không như hiện nay”, ông Hiệu phân tích.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC