Một quyết định hợp lòng dân

01:06, 28/06/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xuyên suốt trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng, bài học về trọng dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân luôn được chú trọng hàng đầu. Tỉnh Quảng Ngãi được tái lập theo Quyết định 83 của Bộ Chính trị (đồng ý cho chia tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định) cũng xuất phát từ việc lắng nghe và thực hiện ý nguyện chính đáng của nhân dân.

TIN LIÊN QUAN

Lắng nghe tiếng lòng của dân

Là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Ngãi từ trong kháng chiến, rồi hơn chục năm làm Chánh Văn phòng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghĩa Bình, Bí thư Thị ủy Quảng Ngãi, nên ông Từ Tân Vũ hiểu rõ ngọn ngành của việc nhập và chia tỉnh lúc bấy giờ. Đó là câu chuyện lịch sử mà lớp hậu sinh cần được biết để hiểu hơn về quê hương mình. Ông Vũ kể: Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, thực hiện chủ trương tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, Quảng Ngãi và Bình Định hợp nhất thành tỉnh Nghĩa Bình. Cán  bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “...Xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Tháp nước Bưu điện tỉnh, chứng nhân cho bao đổi thay của TP.Quảng Ngãi.                           Ảnh: TL
Tháp nước Bưu điện tỉnh, chứng nhân cho bao đổi thay của TP.Quảng Ngãi. Ảnh: TL

Sau hơn 13 năm hợp nhất, thực tiễn cuộc sống đặt ra yêu cầu bức thiết cần phải chia lại tỉnh. Địa bàn tỉnh Nghĩa Bình quá rộng, từ trung tâm tỉnh lỵ là Quy Nhơn về đến thị xã Quảng Ngãi phải đi khoảng180km, đến các huyện miền núi lại càng xa hơn nhiều, bởi vậy nhân dân tha thiết trở về với địa giới cũ. Sau Đại hội VI của Đảng, đường lối đổi mới đất nước càng thêm thôi thúc việc chia lại tỉnh để phù hợp với thời kỳ mới.

Đầu mùa Xuân 1988, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Chí Công về thăm Quảng Ngãi. Chủ tịch nước đã đến thăm, gặp gỡ nhân dân ở Hợp tác xã nông nghiệp Nghĩa Kỳ Bắc (Tư Nghĩa), mong muốn được nghe nguyện vọng của nhân dân. Bí thư Chi bộ Nghĩa Kỳ Bắc lúc bấy giờ là ông Nguyễn Xuân phát biểu: “Báo cáo với Chủ tịch nước, mong muốn lớn nhất của nhân dân ở đây là xin chia tỉnh Nghĩa Bình thành hai tỉnh như xưa”. Ông Xuân đang định nói tiếp, nhưng những tràng vỗ tay vang dội và kéo dài đã ngắt lời ông... Chủ tịch nước Võ Chí Công nói: “Qua thái độ, tinh thần của bà con, tôi cảm nhận được việc chia tỉnh là nỗi niềm rất tha thiết, là người có trách nhiệm, tôi xin lĩnh hội ý nguyện đó của nhân dân và sẽ báo cáo Bộ Chính trị”.

Trong một lần bác Phạm Văn Đồng về thăm quê, khi đó bác là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong buổi gặp gỡ cán bộ và nhân dân thị xã Quảng Ngãi, bác Đồng muốn lắng nghe ý kiến của nhân dân. Bà Trần Thị Hồng Tâm, lúc bấy giờ là Phó phòng Tổ chức thị xã Quảng Ngãi (hiện ở đường Võ Thị Sáu, phường Chánh Lộ, TP.Quảng Ngãi) lễ phép thưa: “Thưa bác, Đảng và Nhà nước ta lấy dân làm gốc, mọi việc đều phải lấy ý kiến nhân dân, dựa vào dân và quyết định hợp lòng dân thì mới có sức mạnh. Vậy thưa với bác, ý nguyện của người dân là muốn tách tỉnh, vì tỉnh lỵ hiện tại ở tận Quy Nhơn, cách hàng trăm cây số, người dân có yêu cầu gì khó mà giải quyết kịp thời”.

Bà Tâm vừa nói dứt lời, cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay... Tối hôm đó, bác Đồng cho gọi Bí thư Thị ủy Quảng Ngãi Từ Tân Vũ để hỏi chuyện. Sau khi nghe ông Vũ báo cáo tình hình, nguyện vọng của nhân dân muốn chia lại tỉnh, bác Đồng nhẹ nhàng nói: “Lòng dân như thế là đến mức Trung ương phải xem xét”.

“Nhân dân vô cùng phấn khởi khi thực hiện quyết định tái lập tỉnh Quảng Ngãi. Niềm phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng với truyền thống bất khuất của quê hương đã khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp trong nhân dân. Nhờ vậy, Đảng bộ chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã vượt qua được khó khăn, đưa tỉnh nhà phát triển vượt bậc như ngày hôm nay”.

 Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghĩa Bình, Bí thư Thị ủy Quảng Ngãi TỪ TÂN VŨ

 

Một quyết định lịch sử

Trước nguyện vọng tha thiết của nhân dân tỉnh Nghĩa Bình, Trung ương đã cân nhắc thấu đáo và đi đến quyết định thực hiện thí điểm việc chia tỉnh, chọn các tỉnh Nghĩa Bình, Phú Khánh, Bình Trị Thiên làm điểm. Ngày 4.3.1989, Bộ Chính trị đã ra Quyết định số 83 chia tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.

Sáng ngày 17.3.1989, ông Từ Tân Vũ khi đó đang ở thị xã Quảng Ngãi thì nhận thông tin triệu tập vào Quy Nhơn gấp vì ngay chiều hôm đó Chủ tịch nước Võ Chí Công từ Nha Trang ra làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghĩa Bình bàn việc chia tỉnh. Ngày 20.3.1989, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từ Hà Nội vào thăm Quảng Ngãi, sau đó vào thẳng Quy Nhơn cùng đồng chí Võ Chí Công chính thức thông báo Quyết định 83 của Bộ Chính trị và chỉ đạo triển khai thực hiện. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: Yêu cầu, nguyện vọng chia lại tỉnh của cán bộ và nhân dân là chính đáng. Việc chia lại một số tỉnh đã nhập quá lớn là phù hợp với thực tế khách quan, hợp lòng dân.

Vậy là ước nguyện của nhân dân Quảng Ngãi đã trở thành hiện thực. Đầu năm 1990, Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm quê. Tại buổi gặp mặt cán bộ, nhân dân tại Khu sinh hoạt văn hóa Nguyễn Nghiêm (Thị xã Quảng Ngãi), bác Đồng chia sẻ niềm vui cùng bà con nhân dân khi đã thỏa ước nguyện chia lại tỉnh.

30 năm tái lập tỉnh Quảng Ngãi là chặng đường dài, với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng sức mạnh đoàn kết và quyết tâm của toàn đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã được khẳng định.

PHƯƠNG LÝ
 


.