TIN LIÊN QUAN |
---|
Mô hình này đã mang lại hiệu ứng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nhóm hộ "cùng tiến"
Xã Nghĩa Sơn hiện có 356 hộ, trong đó thôn 1 có 189 hộ được chia làm 11 nhóm; thôn 2 có 167 hộ, chia làm 16 nhóm hộ. Toàn xã có 85 đảng viên, mỗi nhóm hộ có 1 - 2 đảng viên đăng ký quản lý. Hằng tháng, mỗi nhóm hộ đều chọn một ngày phù hợp để họp. Tại cuộc họp, các đảng viên có trách nhiệm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; đồng thời tạo cơ hội để các hộ dân chia sẻ kinh nghiệm trong làm ăn, nuôi dạy con cháu...
Thông qua nhóm hộ, các hộ dân có cơ hội trao đổi, học hỏi cách làm ăn, cùng nhau phát triển kinh tế. |
Bên cạnh đó, thông qua nhóm hộ, các mô hình kinh tế hiệu quả đã được nhân rộng. Anh Phạm Văn Nghĩa, ở thôn 1 chia sẻ: “Thông qua nhóm hộ, tôi được mọi người hỗ trợ vốn, kỹ thuật chăn nuôi, nên mạnh dạn mua 7 con dê về nuôi. Sau 10 năm nuôi, đàn dê của tôi ngày càng phát triển, với số lượng từ 20 - 50 con, tùy vào từng thời điểm. Vừa rồi, gia đình tôi bán 7 con, thu về hơn 20 triệu đồng”.
"Mô hình đảng viên nhận quản lý nhóm hộ được thực hiện trên tinh thần tự giác của mỗi đảng viên. Căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi khu dân cư và đời sống của người dân trong nhóm hộ, mỗi đảng viên tự xây dựng một kế hoạch hoặc phương án để giúp người dân sao cho có hiệu quả nhất". Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Sơn PHẠM VĂN ĐẠI |
Phó Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Nghĩa Sơn Phạm Thị Khâm cho biết: “Những đảng viên được phân công quản lý nhóm hộ luôn đề cao tinh thần trách nhiệm. Bởi lẽ, họ phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Đảng ủy xã về những việc làm chưa đúng của các hộ trong nhóm được giao quản lý. Những đảng viên có thiếu sót thì bị phê bình trước tập thể, trường hợp nặng thì sẽ xem xét thi đua và phân loại chất lượng đảng viên hằng năm”.
Chính vì vậy, bên cạnh các chủ trương của xã, đảng viên quản lý nhóm hộ còn lồng ghép nhiều chương trình để giúp người dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Những trường hợp người dân có mâu thuẫn đều được hòa giải kịp thời. Từ đó, tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết. Thông qua các hoạt động như quyên góp gạo, góp ngày công, hỗ trợ cây, con giống... đã giúp những hộ gia đình khó khăn có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế gia đình, thoát khỏi hộ nghèo.
Đặc biệt, từ khi có chương trình điện xây dựng nông thôn mới, xã Nghĩa Sơn đã vận động người dân hiến đất mở đường, đóng góp ngày công, tiền để bê tông nhiều tuyến đường giao thông, xây dựng công trình thắp sáng làng quê, tạo diện mạo mới cho xã miền núi Nghĩa Sơn.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Sơn Phạm Văn Đại cho biết: Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Đảng ủy xã Nghĩa Sơn đã xây dựng mô hình từng đảng viên đăng ký trước chi bộ nhận quản lý nhóm hộ dân. Với tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu đi trước của đảng viên, người có uy tín đã xây dựng được một tập thể đoàn kết, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế ở địa phương. Nhờ đó, đến nay đời sống của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6 hộ (1,76%), chủ yếu là hộ già yếu, neo đơn.
Bài, ảnh: HỒNG HOA