50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Lo cho dân là trách nhiệm của Đảng (kỳ 1)

09:05, 15/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong 50 năm qua (1969 - 2019), Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một văn kiện lịch sử vô giá. Bởi lẽ, bản di chúc là sự kết tinh những nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó có công tác chăm lo đời sống cho nhân dân.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 1: Những chủ trương, chính sách đúng đắn

Thấm nhuần những lời căn dặn của Người, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã vận dụng sáng tạo bài học về chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự quan tâm tới nhân dân là bổn phận, trách nhiệm của Đảng, bởi lợi ích của Đảng không nằm ngoài lợi ích của dân tộc, của nhân dân. Làm tốt điều đó thì nhân dân mới có niềm tin vững chắc vào Đảng; một lòng một dạ đi theo Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Thực hiện di nguyện của Người, liên tiếp trong nhiều nhiệm kỳ, Tỉnh ủy Quảng Ngãi luôn xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Khuyến khích người dân thoát nghèo

Nhà cửa khang trang, thóc lúa luôn đầy bồ là thành quả đạt được trên hành trình xóa đói, giảm nghèo của đôi vợ chồng trẻ Đinh Văn Sim và Đinh Thị Bút, ở xã Sơn Long (Sơn Tây). Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều năm qua, đôi vợ chồng này đã miệt mài lao động và tiết kiệm trong chi tiêu. Nhờ đó, vợ chồng anh Sim đã thoát nghèo, mỗi năm tích lũy được vài chục triệu đồng.

Đường về xã ATK Ba Giang ( Ba Tơ) đã được bê tông.
Đường về xã ATK Ba Giang ( Ba Tơ) đã được bê tông.


Gia đình anh Sim là một trong hơn 230 hộ gia đình đồng bào Ca Dong được huyện Sơn Tây biểu dương theo quyết định của UBND tỉnh về hỗ trợ, biểu dương, khen thưởng đối với hộ gia đình thoát nghèo, thoát cận nghèo ở vùng miền núi tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 - 2020.

Biểu dương, khen thưởng những hộ thoát nghèo là cách làm sáng tạo của tỉnh, nhằm khuyến khích ý chí vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là giải pháp thiết thực, làm thay đổi nhận thức của người dân và chính quyền cơ sở, góp phần thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy về giảm nghèo nhanh và bền vững.

Với huyện Sơn Hà, đầu năm 2018, huyện miền núi này cũng được “thưởng nóng” 10 tỷ đồng vì đã thoát khỏi huyện nghèo thuộc Chương trình 30a. Đây là địa phương có xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao, nhưng nhờ có nhiều cách làm sáng tạo, nên đã bứt phá, trở thành huyện miền núi đầu tiên của tỉnh thoát khỏi diện huyện nghèo. Kết quả này là minh chứng cho việc lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, đúng định hướng, hợp lòng dân trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Để tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập, sớm thoát nghèo, Huyện ủy Sơn Hà chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gia tăng chuỗi giá trị, làm tiền đề xây dựng nông thôn mới. Bình quân mỗi năm, từ nguồn vốn các chương trình, Sơn Hà đã đầu tư trên 10 tỷ đồng, để hỗ trợ sản xuất trực tiếp cho người dân.

Giai đoạn 2016 - 2018, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 6 huyện miền núi của tỉnh hơn 11.000 tỷ đồng. Từ nguồn lực này, các huyện đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ sinh kế cho người dân. Trong 3 năm qua, có trên 8.300 hộ thoát nghèo. Đến cuối năm 2018, hộ nghèo ở khu vực miền núi giảm còn 31,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đề ra.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Thanh Hường cho biết: "Sơn Hà đã xây dựng các chuỗi sản phẩm nông sản mang thương hiệu địa phương, như ớt xiêm rừng, rau dớn, bắp chuối rừng... bán ở 21 chi nhánh thuộc hệ thống siêu thị Big C trong cả nước và gần 20 siêu thị ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Ngoài ra, huyện còn có hơn 200 nhóm hộ và tổ hợp tác được thành lập để cùng sản xuất, chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm".

Đồng hành cùng người dân

Là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, Huyện ủy Tây Trà xác định công tác giảm nghèo nhanh và bền vững là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Huyện đề ra mục tiêu mỗi năm giúp ít nhất 36 hộ nghèo ở 36 thôn thoát nghèo, thông qua việc hỗ trợ về phương pháp làm ăn, phương tiện làm kinh tế, cây, con giống...

Để đạt mục tiêu đó, từ tháng 6.2017, Huyện ủy Tây Trà phân công 99 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tham gia giúp hộ nghèo. Kết quả sau gần 3 năm triển khai đã có gần 100 hộ  thoát nghèo.

Bí thư Huyện ủy Tây Trà Phạm Xuân Vinh cho biết: "Đây là phương thức giảm nghèo không lấy ngân sách nhà nước mà xuất phát từ trách nhiệm, tình cảm của cán bộ, đảng viên đang công tác ở huyện khó khăn nhất của tỉnh.

Việc giao mỗi cơ quan, đơn vị phụ trách “giảm 1 hộ nghèo” được Ban Thường vụ Huyện ủy lựa chọn đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nguồn kinh phí giúp đỡ hộ nghèo được trích từ tiền lương của cán bộ, đảng viên, người lao động".

Một trong những "đòn bẩy" để huyện Tây Trà và Sơn Tây thực hiện tốt sứ mệnh chăm lo đời sống người dân ngày càng tốt hơn là được tỉnh thực hiện thí điểm chính sách khuyến khích hộ nghèo tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, để tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Với chính sách mỗi xã chọn 5 hộ dân, mỗi hộ được hỗ trợ 15 triệu đồng/năm, nhiều hộ nghèo ở hai huyện này đã thay đổi nhận thức, không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, tích cực phát triển sản xuất, kinh doanh, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm, để tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Đến cuối năm 2018, có 44/312 hộ ở huyện Tây Trà thoát nghèo; hộ nghèo giảm còn 64%.

Mô hình phân công giúp hộ nghèo không từ ngân sách Nhà nước ở huyện Tây Trà đã góp phần trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững.
Mô hình phân công giúp hộ nghèo không từ ngân sách Nhà nước ở huyện Tây Trà đã góp phần trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững.


Với huyện được hai lần phong tặng danh hiệu anh hùng, Ba Tơ trước đây là điểm nóng của tình trạng nghi kỵ đồ độc và tảo hôn. Từ năm 2011 đến tháng 5.2017, trên địa bàn huyện có 351 trường hợp tảo hôn; 30 vụ nghi kỵ đồ độc; tình trạng mê tín dị đoan còn diễn ra; việc cưới, việc tang tổ chức kéo dài... gây tốn kém, lãng phí, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ thực tế đó, Huyện ủy Ba Tơ đã ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ngăn chặn, đẩy lùi các tập tục lạc hậu trên địa bàn huyện. Sau hơn 2 năm thực hiện nghị quyết, một số tập tục lạc hậu đã bị xóa bỏ. Năm 2017, trên địa bàn Ba Tơ xảy ra 1 vụ nghi kỵ đồ độc, năm 2018 không xảy ra vụ nào. Về nạn tảo hôn, năm 2016 có 161 trường hợp, năm 2017 giảm còn 137 trường hợp, đến năm 2018 giảm còn 72 trường hợp.

Ông Phạm Ngọc Dương, một người uy tín ở xã Ba Vinh, cho hay: "Tôi nói với bà con, phải xóa bỏ các hủ tục thì đời sống bà con mới nâng lên được, chứ không là nghèo mãi thôi! Và giờ thì dân tin tôi, tin Đảng rồi!".

Từ những chủ trương, nghị quyết đúng đắn, cấp ủy, chính quyền các huyện miền núi trong tỉnh đã đồng hành cùng nhân dân trong công tác xóa đói giảm nghèo theo cách thiết thực, hiệu quả nhất. Đời sống người dân không ngừng nâng lên. Họ đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế; tin tưởng và chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ gìn phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Bài, ảnh: THANH THUẬN

---------
Kỳ 2: Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc     
 


.