(Báo Quảng Ngãi)- Khi có người thân qua đời, hay ngày cúng giỗ, báo hiếu, người dân chỉ làm mâm cơm trong nội bộ gia đình. Việc làm này đã được người dân xã Bình Thới (Bình Sơn) duy trì hơn 10 năm nay và trở thành nét đẹp trong cộng đồng dân cư.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sự đồng thuận của người dân trong thực hiện việc làm trên vừa phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, vừa tiết kiệm thời gian, tiền của, thể hiện nếp sống văn minh trong việc trả hiếu, trả thảo - một tập quán đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của người dân.
Đã thành thông lệ, cứ đến ngày giỗ chồng, bà Phạm Thị Thẩm, ở thôn An Châu chỉ sửa soạn mâm cơm cúng và tổ chức trong nội bộ gia đình. Bà Thẩm cho biết: "Từ lúc tang lễ của ông cho đến nay đã 5 lần giỗ, gia đình chỉ tổ chức như thế này. Không chỉ có gia đình tôi, mà ở đây gia đình nào có tang chay dù có điều kiện kinh tế, hay không có điều kiện cũng đều tổ chức như thế; đồng thời không còn có các nghi lễ mê tín dị đoan, hạn chế rải vàng mã trong đám tang để bảo vệ môi trường. Gia đình nào cũng ý thực được việc làm này vì tính thiết thực của nó, vừa tránh lãng phí, vừa xây dựng nếp sống văn hóa".
Là xã có khoảng 85% hộ dân làm nông, để nâng cao đời sống cho người dân, loại bỏ những tập tục lạc hậu, cấp ủy, chính quyền xã Bình Thới đã tích cực vận động nhân dân thực hành tiết kiệm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và xem đây là một trong những việc làm theo Bác thiết thực và hiệu quả nhất.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Thới (Bình Sơn) Nguyễn Thị Tình thường xuyên đến thăm hỏi, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh. |
Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Thới Huỳnh Kim Sơn cho biết: Cách đây 10 năm, địa phương đã tập trung vận động, tuyên truyền, trước hết là trong đảng viên, các hội viên nòng cốt của các hội, đoàn thể về việc thực hiện chủ trương trên. Lúc đầu thực hiện rất khó khăn, vì việc làm này từ xưa nay đã quen với lệ làng rồi, nên nhiều người dân không thống nhất.
Cá biệt, có trường hợp còn chống đối với chủ trương này, vì họ cho đó là việc riêng của gia đình, tổ chức thế nào là quyền của họ. Nhưng với sự kiên trì, quyết tâm làm thay đổi nhận thức của người dân, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nhất là phát huy vai trò hạt nhân của hơn 100 đảng viên ở các khu dân cư, dần dần người dân cũng nhận thấy những lợi ích thiết thực từ việc tiết kiệm, chống lãng phí trong ma chay, cúng giỗ. Sau một thời gian tuyên truyền vận động, đến năm 2009 đã có 9/9 khu dân cư tại địa phương, với 100% hộ gia đình đều đồng lòng thực hiện. Điều này cũng góp phần đáng kể để xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017.
"Việc làm nhỏ, thay đổi lớn" đó là điều ai cũng thấy rõ từ việc thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong trả hiếu, trả thảo ở xã Bình Thới. Việc làm này không chỉ thay đổi nhận thức của người dân, mà còn hình thành những nét đẹp truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại tại địa phương. Tuy nhiên, để có kết quả này là sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền; đặc biệt là những cán bộ, đảng viên làm công tác vận động.
Với phương châm "lấy dân vận động dân", đến nay việc trả hiếu, trả thảo của người dân Bình Thới không còn diễn ra linh đình như trước nữa. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Thới Nguyễn Thị Tình cho biết: Theo tập quán xưa, khi nhà có người thân qua đời, đến tuần giáp năm phải làm cỗ trả hiếu linh đình. Vì thế, việc trả hiếu, trả thảo trước đây luôn là gánh nặng của nhiều gia đình ở Bình Thới, nhất là những hộ nghèo.
Xuất phát từ những hoàn cảnh nghèo khó đó, mỗi khi có người qua đời chúng tôi vận động người nhà tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm và lấy tiền đó xây mộ cho người mất, không trả ơn bằng ăn cỗ linh đình vào dịp báo hiếu. Từ năm 2008 đến nay, nhân dân Bình Thới đã tự giác thực hiện, không cần phải vận động như trước. Qua đó, thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống, hộ có cuộc sống khấm khá ngày càng nhiều.
Bài, ảnh: THANH THUẬN