Xây dựng nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội

06:01, 01/01/2016
.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL quy định về tổ chức lễ hội.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Theo đó, các loại hình lễ hội bao gồm: 1- Lễ hội dân gian; 2- Lễ hội lịch sử, cách mạng; 3- Lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch; 4- Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài tổ chức tại Việt Nam.

Trong lễ hội, nghi lễ phải được tiến hành trang trọng, trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp. Phần hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, đa dạng về hình thức, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội; khuyến khích tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống.

Không tổ chức các lễ hội có nội dung kích động bạo lực

Thông tư quy định không tổ chức các lễ hội có nội dung kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác, trong đó có thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam; có nội dung mê tín dị đoan làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức (cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù phép; lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, truyền bá sấm trạng, phù chú, cầu lợi cho mình gây hại cho người khác bằng cách yểm bùa và các hình thức mê tín dị đoan khác).

Khi tổ chức lễ hội, cơ quan, tổ chức phải thành lập Ban Tổ chức, trừ trường hợp lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài do tổ chức nước ngoài thực hiện. Thành phần Ban Tổ chức gồm đại diện chính quyền, ngành văn hóa, thể thao và du lịch, công an, y tế, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, thông tin và truyền thông, tôn giáo, mặt trận tổ quốc, đại diện ngành, đoàn thể hoặc cá nhân khác có liên quan đến việc tổ chức lễ hội.

Thực hiện nếp sống văn minh

Thông tư nêu rõ, trong khu vực lễ hội, cờ Tổ quốc được treo nơi trang trọng, cao hơn cờ hội, cờ tôn giáo; chỉ treo cờ hội, cờ tôn giáo tại địa điểm lễ hội và trong thời gian tổ chức lễ hội.

Đồng thời, thực hiện đúng nội quy, quy định của Ban Tổ chức lễ hội; tiền công đức, tiền lễ, tiền giọt dầu đặt đúng nơi quy định của Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích; không ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ, cài tiền lên tay tượng, tay phật và thực hiện các hành vi phản cảm khác.

Trang phục khi đi lễ hội đẹp, lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục. Ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; không nói tục, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ hàng quán, nhà hàng, khách sạn, bến bãi phục vụ người tham gia lễ hội đảm bảo không lấn chiếm khuôn viên di tích, thuận tiện, không cản trở giao thông trong khu vực lễ hội theo quy định của pháp luật. Các hoạt động dịch vụ niêm yết giá, bán đúng giá, không chèo kéo khách, không ép giá; không bày bán các đồ chơi có tính bạo lực, thịt tươi sống, thịt động vật hoang dã…

Người phụ trách (trụ trì), Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích phải có phương thức thu, nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tiền được huy động từ nguồn xã hội hóa, tài trợ để tổ chức lễ hội đảm bảo công khai, minh bạch, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu đúng mục đích theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV về hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định khác có liên quan về tài chính.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/2/2016.
 

Theo Điều 18, Điều 19 Quy chế hoạt động văn hóa ban hành kèm Nghị định 103/2009/NĐ-CP, thì việc tổ chức các lễ hội phải được cấp giấy phép của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nếu thuộc trường hợp sau: a- Lễ hội được tổ chức lần đầu; b- Lễ hội được khôi phục lại sau nhiều năm gián đoạn; c- Lễ hội đã được tổ chức định kỳ nhưng có thay đổi nội dung, thời gian, địa điểm so với truyền thống; d- Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài do tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức Việt Nam tổ chức.

Các lễ hội không phải xin cấp giấy phép, nhưng trước khi tổ chức phải báo cáo  cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền gồm: 1- Lễ hội dân gian đã được tổ chức thường xuyên, liên tục, định kỳ; lễ hội văn hóa du lịch; 2- Lễ hội đã xin cấp phép lần đầu được tổ chức từ lần thứ 2 trở đi.

 


 

Theo Minh Hoàng (Chinhphu.vn)

 


.