(Báo Quảng Ngãi)- Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Tỉnh ủy đã ban hành 4 kết luận, 5 nghị quyết chuyên đề nhằm lãnh đạo thực hiện hiệu quả những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, tạo tiền đề quan trọng để Quảng Ngãi phát triển bền vững. Cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ngành đã triển khai thực hiện sáng tạo các kết luận, nghị quyết của Tỉnh ủy, mang lại hiệu quả cao.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa
Những năm qua, ngành du lịch, dịch vụ huyện Lý Sơn đã có bước phát triển đột phá và trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch của Quảng Ngãi. Năm 2018, Lý Sơn đón trên 180.000 lượt khách, chiếm gần 1/3 tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ngãi (tăng gấp 7 lần so với nhiệm kỳ trước). Du lịch, dịch vụ đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, kéo theo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của huyện, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Huyện Bình Sơn đầu tư gần 4 tỷ đồng để khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cor ở xã Bình An. |
Cùng với huyện Lý Sơn, nhiều địa điểm du lịch trong tỉnh cũng đã thu hút được số lượng lớn khách tham quan, như: Gành Yến (Bình Sơn), Sa Huỳnh (Đức Phổ), Thác Trắng (Minh Long)... Phó Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Võ Văn Đồng cho biết: Để thu hút khách du lịch, huyện đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để mở đường, vẽ 20 bức tranh 3D và tranh phát sáng dọc theo con đường dẫn tới Gành Yến. Đến nay, "thương hiệu” Gành Yến đã được nhiều du khách trong cả nước biết đến, với tổng lượng khách đến trong năm 2018 hơn 75.000 lượt người.
Ngoài ra, huyện Bình Sơn còn kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng để đầu tư phát triển du lịch, tạo ra điểm nhấn cho điểm đến Gành Yến. Đầu tư khai thác các thế mạnh ở xã Bình An để phát triển du lịch, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cor. Đến nay, huyện đã đầu tư gần 4 tỷ đồng để khôi phục các loại hình dân ca, dân vũ, phục dựng lại nhà sàn của đồng bào dân tộc Cor; vẽ 33 tranh 3D và tranh 3D phát sáng phát họa những cảnh đẹp thiên nhiên, cũng như nét đẹp văn hóa truyền thống về con người, phong tục của đồng bào Cor nơi đây.
Tỉnh ủy đã ban hành 5 Nghị quyết chuyên đề gồm: Nghị quyết 01 về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết 02 về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị; Nghị quyết 03 về xây dựng và phát triển văn hóa con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững; Nghị quyết 04 về phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết 05 về cải cách hành chính. |
Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy cũng có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi trong giai đoạn mới.
Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu cho biết: Ngành GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển toàn diện con người Quảng Ngãi về đức, trí, thể, mỹ, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Nhờ đó, công tác giảng dạy của thầy cô giáo đã có sự thay đổi nhất định, từ truyền thụ kiến thức sang phát huy năng lực sáng tạo của học sinh; coi trọng văn hóa ứng xử trong trường học; giáo dục học sinh ứng xử có văn hóa với môi trường tự nhiên, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử... Cùng với đó, thời gian đến, ngành sẽ xây dựng lại và đưa 20% nội dung chương trình trong trường phổ thông để giảng dạy lịch sử địa phương.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy những tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Quảng Ngãi, nhất là văn hóa biển đảo, văn hóa các dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy. Trà Bồng là địa phương có những nét văn hóa đặc thù gắn liền với đời sống đồng bào Cor, như lễ hội điện Trường Bà, lễ hội ăn trâu, Tết ngã rạ, văn hóa cồng chiêng, múa cà đáo...
Để bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc này, huyện Trà Bồng ưu tiên các nguồn lực để đầu tư thiết chế văn hóa ở cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hồ Văn Thịnh cho biết: Huyện đã chỉ đạo ngành văn hóa mở các lớp truyền dạy nghệ thuật múa cồng chiêng, múa cà đáo... cho thanh thiếu niên. Một số xã đã xây dựng nhà văn hóa dân tộc Cor làm nơi sinh hoạt cộng đồng và là nơi để các già làng truyền dạy các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ.
“Các địa phương chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của văn hóa truyền thống, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, tạo ra các cơ sở hoạt động văn hóa, thể thao trong cộng đồng. Đến nay, đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu mà nghị quyết đã đề ra. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa, con người đối với sự phát triển được nâng lên”, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Cao Văn Chư nhận định.
Hạ tầng giao thông, đô thị nhiều khởi sắc
Để đạt mục tiêu đưa TP.Quảng Ngãi sớm trở thành đô thị loại II, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy Quảng Ngãi đã ban hành Nghị quyết chuyên đề 05 về xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị TP.Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020. UBND thành phố đã xây dựng, triển khai 4 đề án về xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị; 5 xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng, Tịnh Khê, Tịnh Ấn Tây và Nghĩa Phú sẽ phát triển thành phường; chỉnh trang nâng cấp và đầu tư hệ thống điện chiếu sáng các tuyến đường giao thông nông thôn, hẻm phố.
Trong giai đoạn 2011- 2017, trên địa bàn thành phố đã có 34 dự án xây dựng khu đô thị, khu dân cư do các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong, ngoài tỉnh thực hiện. Hơn 25 dự án khu dân cư, khu tái định cư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Hàng nghìn tỷ đồng được huy động để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị. Trong đó, nhiều dự án được quy hoạch, triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, như Khu đô thị dịch vụ VSIP, Ngọc Bảo Viên, Nam Lê Lợi, Bắc Lê Lợi, An Phú Sinh...
Lĩnh vực du lịch, dịch vụ phát triển mạnh
|
Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Phạm Tấn Hoàng cho biết: Mục tiêu đến năm 2020 là xây dựng TP.Quảng Ngãi trở thành đô thị “năng động - thân thiện”. TP.Quảng Ngãi đã và đang tập trung phát triển hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ. Mở rộng không gian thành phố về phía biển, đảm bảo gắn kết hài hòa giữa khu vực trung tâm thành phố và khu vực ngoại thành, tạo sự kết nối liên hoàn giữa các huyện lân cận. Phấn đấu đến năm 2020, đưa tỷ lệ đô thị hóa của thành phố lên 60%.
Đến nay, toàn tỉnh có 13 đô thị được UBND tỉnh cho chủ trương lập, phê duyệt và hoàn thành quy hoạch chung. Các đô thị trung tâm như TP.Quảng Ngãi, thị trấn Đức Phổ (Đức Phổ), thị trấn Di Lăng (Sơn Hà)... đã được đầu tư xây dựng và nâng tầm đô thị theo đúng lộ trình. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ cho rằng: Đối với hạ tầng đô thị, tỉnh chủ trương lựa chọn những hạng mục công trình mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư, thì sẽ ưu tiên nguồn lực Nhà nước đầu tư, nhằm tạo sự lan tỏa; những lĩnh vực mà thành phần kinh tế khác đầu tư, thì tỉnh tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện.
Cùng với đầu tư phát triển đô thị, tỉnh cũng ưu tiên nhiều nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông. Từ năm 2016 đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh gần 6.000 tỷ đồng, với những công trình trọng điểm được triển khai như: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1; đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 1; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 24; xây dựng cảng Bến Đình (Lý Sơn); công trình cầu Cửa Đại, cầu Thạch Bích...
Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư và huy động các nguồn lực xã hội đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng hạ tầng giao thông ở các KCN, KKT, cụm công nghiệp. Toàn tỉnh có trên 2.300km tuyến đường tỉnh, huyện, xã được thảm nhựa, cứng hóa, đạt tỷ lệ trên 70%. Trong đó, tuyến đường tỉnh đạt tỷ lệ 95%, đường huyện 70%, đường xã gần 61%. Hệ thống giao thông phát triển đồng bộ và liên hoàn, kết nối từ đồng bằng đến miền núi, từ thành thị đến nông thôn, hình thành những “mạch máu” giao thông quan trọng.
Nhờ quyết tâm cao trong ý chí, quyết liệt trong hành động của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương, nên việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Bài, ảnh: THANH THUẬN