(Báo Quảng Ngãi)- Qua 2 năm thực hiện Kết luận số 17 của Tỉnh ủy, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và phục vụ sản xuất kinh doanh ở huyện Tư Nghĩa có sự chuyển biến tích cực.
Có nhiều chuyển biến
Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Tư Nghĩa Nguyễn Đăng Vinh cho biết: Trong công tác cán bộ, từ khâu khảo sát, đánh giá thực trạng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, điều động, luân chuyển, nhận xét, đánh giá CB, CCVC... luôn được huyện chú trọng. Tổng số CB, CCVC trong toàn huyện hiện có 520 người, trong đó cấp huyện 184 người; cấp xã, thị trấn 336 người.
Cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) rà soát hồ sơ phát triển đảng viên ở các thôn. |
Về đào tạo lý luận chính trị, trong 2 năm qua huyện đã cử 18 đồng chí học cao cấp, 215 đồng chí học trung cấp; cử đi đào tạo về chuyên môn 6 thạc sĩ; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức ở nhiều lĩnh vực cho gần 300 CB, CCVC. Thực hiện điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ không phải là người địa phương theo Kết luận 24 của Bộ Chính trị, đối với cấp huyện có 7 người; cấp xã, thị trấn có 9 người. Công tác bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đảm bảo nguyên tắc. Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.
Huyện Tư Nghĩa đã thực hiện mô hình Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND huyện; 8/15 xã, thị trấn thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND. Tổ chức bộ máy đang từng bước tinh gọn; vị trí việc làm của CB, CCVC được xác định cụ thể, đảm bảo hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Huyện Tư Nghĩa đã thực hiện mô hình Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND huyện; 8/15 xã, thị trấn thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND. Tổ chức bộ máy đang từng bước tinh gọn; vị trí việc làm của CB, CCVC được xác định cụ thể, đảm bảo hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. |
Chưa theo kịp yêu cầu phát triển
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Huyện ủy Tư Nghĩa, mặc dù có chuyển biến tích cực, nhưng nguồn nhân lực của huyện vẫn còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ huyện đến xã, thị trấn còn hẫng hụt; kiến thức, năng lực quản lý chưa ngang tầm nhiệm vụ; đội ngũ cán bộ cấp xã, thị trấn cơ cấu chưa đồng bộ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo vẫn còn thấp (ước đạt 42,9%)...
Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên là do xuất phát điểm và trình độ phát triển của nền kinh tế ở địa phương thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Do vậy, sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp và dịch vụ không đáng kể; khả năng đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng gặp khó khăn. Một số cơ chế, chính sách đối với CB, CCVC chưa phù hợp. Nguồn kinh phí đào tạo còn thiếu và chưa được sử dụng hợp lý. Đội ngũ cán bộ kế thừa còn mỏng và chưa đủ khả năng đảm nhận vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý...
Ông Nguyễn Đăng Vinh cho biết thêm: Để khắc phục tình trạng trên, thời gian đến, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ thường xuyên thực hiện công tác khảo sát, đánh giá thực trạng và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng; tiếp tục luân chuyển cán bộ để đào tạo, rèn luyện qua thực tiễn. Đổi mới công tác nhận xét, đánh giá cán bộ để phục vụ tốt hơn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí cán bộ phù hợp với năng lực, sở trường công tác. Quyết liệt thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Tăng cường liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người lao động trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm...
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ