Thanh Thảo
(Baoquangngai.vn)- Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng, tôi muốn kể lại một chuyện nhỏ mà sinh thời, khi đã về hưu ở ngôi nhà nhỏ bé số 4 đường Trân Quang Diệu, TP. Quảng Ngãi, ông Trần Kiên đã nhỏ nhẹ kể tôi nghe.
TIN LIÊN QUAN
Chuyện ông Trần Kiên khi làm chủ nhiệm Ban kiểm tra Đảng Trung ương sống thanh liêm, hết mình vì công việc như thế nào thì nhiều người đã biết. Khi về hưu, ông ở ngôi nhà nhỏ bé thế nào, đồ đạc trong nhà quá đơn giản ra sao, thì nhiều người ở Quảng Ngãi cũng đã biết. Chỉ riêng câu chuyện mà ông Trần Kiên kể tôi nghe, thì chắc nhiều người chưa biết. Đơn giản, vì ông Kiên không muốn kể rộng chuyện này.
Đồng chí Trần Kiên (thứ 3 từ phải sang) hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên chăm sóc cây cà phê. Ảnh TL |
Nhân dịp đạo diễn phim tài liệu Đoàn Huy Giao làm một phim về ông Trần Kiên, có mời tôi tham gia viết kịch bản, tôi mới ngồi chuyện trò lâu lâu với ông Kiên tại nhà ông. Trong nhiều chuyện ông Kiên kể, có một chuyện này lúc đầu khiến tôi ngạc nhiên.
Ông Trần Kiên nói: “Anh có biết, khi làm ở Ban kiểm tra, tôi đã từng bị người ta theo dõi…”. Tôi ngạc nhiên: “ Ai dám theo dõi ông?” Ông Kiên cười: “ Vậy mà có đấy. Trong một lần đi công tác qua phà sông Gianh ở Quảng Bình, tôi biết có người theo dõi mình”. Tôi lại ngạc nhiên: “Làm sao ông biết?” Ông Trần Kiên chậm rãi: “Tôi đã từng hoạt động bí mật, nên tôi có thói quen khi đi đường, thỉnh thoảng quay nhìn lại phía sau mình xem có “đuôi” nào bám không. Vậy nên biết”.
Tôi đã hiểu. Chuyện thật, và nghiêm trọng, chứ không phải chuyện đùa. Nhưng tính tôi lại hay đùa, nên tôi nói: “Thì ông chuyên theo dõi người ta, nên chuyện người ta theo dõi ông cũng là chuyện bình thường mà”.
Đúng như thế. Thời ông Trần Kiên làm Chủ nhiệm Ban kiểm tra Đảng, đã có nhiều vụ việc lớn đến tay ông. Và ông Trần Kiên đã kiên quyết không để “chìm xuồng” một vụ nào. Không có vùng cấm đối với con người cách mạng liêm chính và tuyệt đối ngay thẳng này. Chính những vụ điều tra không khoan nhượng của ông Trần Kiên và Ban kiểm tra Đảng hồi ấy đã khiến bao người biết ơn, bao người ủng hộ, nhưng chắc chắn, cũng làm không ít người khó chịu, thậm chí căm ghét. Ông Trần Kiên đã hành xử như một người hoạt động cách mạng trong sáng và ông chấp nhận cả những hiểm nguy có thể xảy đến với mình.
Những người hoạt động cách mạng bí mật thời trước, họ buộc phải có những kỹ năng đối phó với sự theo dõi của kẻ địch. Điều đó cũng bình thường. Nhưng khi một người như ông Trần Kiên phải sử dụng kỹ năng đặc biệt ấy để đối phó khi đang là Chủ nhiệm Ban kiểm tra Đảng Trung ương, thì ta phải thấy sự khó khăn, thậm chí nguy hiểm, nếu làm việc trong lĩnh vực này mà lại theo đúng cách hành xử của “Bao Công”. Ông Trần Kiên, một người suốt đời vì dân vì nước, vì lý tưởng của Đảng đã hành xử như vậy. Và ông chấp nhận nguy hiểm, chấp nhận bị theo dõi, miễn hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao phó.
Câu chuyện ông Trần Kiên khiến chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều, nhân kỷ niệm 70 năm ngành Kiểm tra Đảng./.