(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Kết luận 30 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2020, Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Hà đã tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện và bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long, cho biết: Là huyện miền núi, Sơn Hà có tiềm năng đất đai rộng lớn, tài nguyên khá dồi dào, là những điều kiện thuận lợi để phát triển nông, lâm nghiệp. Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện định hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, nhất là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân.
Giải pháp được thực hiện là, tăng cường tiếp thu, ứng dụng, nhân rộng các mô hình cây trồng, vật nuôi mới có giá trị cao vào sản xuất; thực hiện thâm canh, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Từ việc tự ươm keo hạt, nay người dân xã Sơn Thành đã đầu tư mua cây keo giâm hom để trồng. |
Để phát triển kinh tế nông nghiệp, Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy trong huyện cùng các đoàn thể, mặt trận vận động nhân dân phát triển cây lâm nghiệp là cây keo, kết hợp trồng cây gỗ lớn như lim, sao đen... nhằm tăng thu nhập cho người dân và đảm bảo môi trường. Đến nay, huyện đã triển khai trồng cây gỗ lớn tại 4 xã: Sơn Kỳ, Sơn Thủy, Sơn Cao, Sơn Giang.
Các xã tổ chức họp dân đăng ký cây trồng để huyện hỗ trợ trồng trong mùa mưa năm nay; đồng thời cử cán bộ kỹ thuật, hỗ trợ người dân trồng cây sao đen, lim xanh... Còn tại các xã, thị trấn Sơn Kỳ, Sơn Thành, Di Lăng... triển khai kế hoạch trồng cây dược liệu là đinh lăng, hà thủ ô, sâm cau. Triển khai mô hình trồng cây ớt xiêm tại xã Sơn Thủy, thông qua việc khoanh vùng bảo vệ, phát triển cây ớt tự nhiên trên địa bàn xã, tiến tới trồng tập trung...
Khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng trang trại bò laisind, nuôi heo hướng nạc, nhằm mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp với các cơ quan có liên quan, xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... Tập trung thực hiện đề án chăn nuôi, đề án chuyển đổi ruộng 1 vụ không ăn chắc sang trồng các loại cây hoa màu có giá trị kinh tế cao hơn. Triển khai việc khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác của từng địa phương.
Đến nay đã có 14/14 xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phát triển lâm nghiệp theo hướng hàng hóa. Huyện đã tổ chức quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp với diện tích 29.429 ha rừng trồng, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 110 tấn/ha/chu kỳ, sản lượng khai thác hằng năm 200.000m3, tương đương trên 150.000 tấn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Hiện mật độ che phủ rừng của huyện đạt 49,8%...
Đây là bước đột phá căn bản, mở hướng giảm nghèo cho người dân. Huyện vận động nhân dân kéo dài thời gian sinh trưởng của cây keo để thành cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao hơn. Bởi hiện nay, giá trị 1ha keo trồng 4 - 5 năm chỉ khoảng 40 - 80 triệu đồng là quá thấp. Dự kiến, mỗi năm huyện dành một phần kinh phí từ nguồn vốn 30a, vốn ngân sách của huyện... để hỗ trợ giống và kỹ thuật cho người dân trồng cây gỗ lớn ở một số xã làm điểm, sau đó nhân rộng ra các địa phương khác.
Sơn Hà cũng chú trọng phát triển chăn nuôi; hỗ trợ nguồn vốn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân đầu tư mô hình nuôi bò lai, nuôi dê và phát triển nhanh đàn trâu. Toàn huyện có hơn 60.000 con gia súc, đàn gia cầm hơn 120.000 con. Trong xây dựng nông thôn mới, huyện tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư, các chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng ở nông thôn.
Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ sản xuất và dịch vụ, như làm đường giao thông nông thôn, trạm y tế, trường học, điện, nước sinh hoạt, công trình thủy lợi, chợ nông thôn... Đến cuối năm 2016, xã Sơn Thành đạt 13 tiêu chí nông thôn mới; xã Sơn Kỳ và Sơn Hạ đạt 9 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 4 đến 8 tiêu chí...
Bá Sơn