(Báo Quảng Ngãi)- Phát triển đảng viên mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Nhưng ở khu vực nông thôn, những năm gần đây, công tác phát triển đảng viên mới đối diện với nhiều khó khăn do khan hiếm nguồn. Nhiều chi bộ tuổi đời của đảng viên ngày càng cao, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt và lãnh đạo ở cơ sở.
Thời gian qua, mặc dù các cấp ủy trong tỉnh đã có nhiều biện pháp trong công tác tạo nguồn phát triển đảng viên mới. Tuy nhiên, tỷ lệ đảng viên mới kết nạp hằng năm là lao động nông nghiệp, ngành nghề ở nông thôn có chiều hướng giảm. Nguyên nhân cơ bản được các cấp ủy xác định là do khó khăn về nguồn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tuổi bình quân của đảng viên nông thôn ngày càng cao.
Nhiều địa phương ở Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tây Trà, Đức Phổ... thanh niên sau khi học xong THPT hoặc tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường không có việc làm ở quê nên phải đến các địa phương ngoài tỉnh để tìm kiếm việc làm. Có nơi, số thanh niên được kết nạp trong quân ngũ, sau khi về địa phương do không có việc làm phải vào Nam tìm việc, nên phải xin tạm nghỉ sinh hoạt Đảng ở địa phương…
Cần có giải pháp trong tạo nguồn phát triển Đảng từ lực lượng ĐVTN ở địa phương. Trong ảnh: ĐVTN huyện Sơn Tây giúp người dân Sơn Mùa khai hoang đất để sản xuất. |
Ông Nguyễn Quốc Bảo - Bí thư Đảng ủy xã Trà Trung (Tây Trà) cho biết: Với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, Đảng ủy yêu cầu đối tượng Đảng phải có trình độ lớp 9 trở lên, nhưng nguồn này ở xã còn ít. Thêm vào đó, thanh niên lớn lên thường đi làm ăn xa, nên nguồn để bồi dưỡng kết nạp Đảng rất ít.
Để kết nạp đảng viên đạt kế hoạch, ngay từ đầu năm Đảng ủy chỉ đạo tạo nguồn để bồi dưỡng, trong đó chú trọng tạo nguồn từ số giáo viên, cán bộ nhân viên y tế, nên chỉ tiêu kết nạp 1- 3 đảng viên/năm vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, về lâu dài thì hiện tượng "già hóa đảng viên" ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn là khó tránh khỏi.
Ông Phạm Đại Ra - Phó Bí thư chi bộ thôn Long Vĩnh, xã Bình Long (Bình Sơn) cho biết: Hiện chi bộ có 1/4 đảng viên là người lớn tuổi. Chi bộ phân công cán bộ, đảng viên bám sát cơ sở, giới thiệu, bồi dưỡng tạo nguồn để kết nạp từ 1 - 2 đảng viên/năm. Tuy nhiên, để kết nạp đủ chỉ tiêu này cũng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là số thanh niên có trình độ chuyên môn, bằng cấp sau khi ra trường không về địa phương mà đi các tỉnh, thành khác kiếm việc làm.
Cũng theo ông Ra, số thanh niên ở nhà thì chỉ tập trung làm kinh tế, chưa có nhiều động lực phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Thêm vào đó, số thanh niên ở nhà làm nông, thì trình độ chuyên môn không cao. Chính vì vậy, trong 6 tháng đầu năm 2016, chi bộ mới bồi dưỡng kết nạp được 1 đảng viên là trưởng khu dân cư và đang bồi dưỡng 1 phó bí thư chi đoàn thôn để kết nạp Đảng. “Không phải chi bộ không quan tâm đến công tác phát triển đảng viên mới mà là do không có nguồn”, ông Ra trăn trở.
Ông Lê Văn Thảo - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Sơn Tịnh cho rằng: Qua theo dõi, các xã Tịnh Giang, Tịnh Bình... có số lượng thanh niên đi các tỉnh, thành làm ăn nhiều nên việc phát triển Đảng trong thanh niên gặp nhiều khó khăn. Vì thế, tỷ lệ đảng viên cao tuổi ở những địa phương này ngày một tăng.
Vẫn biết rằng, đội ngũ đảng viên cao tuổi có một vai trò rất quan trọng trong công tác lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở. Song, cũng phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, ở một số tổ chức đảng ở cơ sơ, nhiều đảng viên lớn tuổi, sức khỏe yếu, hạn chế trong việc nắm bắt thông tin và sâu sát cơ sở... nên tham gia đóng góp thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ đạt hiệu không cao...
"Để khắc phục tình trạng này, một trong những giải pháp căn bản nhất là phải đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm ổn định để “giữ chân” người lao động, tạo điều kiện cho lực lượng đoàn viên, thanh niên yên tâm ở lại địa phương làm ăn. Các cấp ủy cần đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, nâng cao tính chiến đấu, vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên... để thu hút và tạo động lực để thanh niên phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng”, ông Thảo cho biết thêm.
Bài, ảnh: BÁ SƠN