(Báo Quảng Ngãi)- Núi Cao Muôn ở xã Ba Vinh (Ba Tơ) là nơi Đội Du kích Ba Tơ huyền thoại đã hô vang lời thề: “Hy sinh vì Tổ quốc”, vẫn sừng sững giữa đại ngàn. Ngọn núi kiên trung như chính những người con mà vùng đất này đã sinh ra. Rừng xưa vẫn một màu xanh biếc, che chở cho đồng bào nơi đây. Dưới chân núi Cao Muôn bây giờ, nhiều ngôi nhà ngói đỏ mọc lên, đường bê tông uốn lượn tô vẽ cho cuộc sống nhiều đổi thay của người dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những ngày thu hào hùng
Nay đã ngoài 95 tuổi, nhưng trong ký ức của mình, đại tá Phạm Hương, đội viên Đội Du kích Ba Tơ, vẫn còn nhớ như in cái thời “nếm mật, nằm gai” ở căn cứ Cao Muôn để chờ thời cơ đánh địch. Ông Hương, kể: Những năm đó, quân Pháp lập nhà tù Di Lăng (Sơn Hà) và ở huyện lỵ Trà Bồng để giam những người yêu nước. Sau khi mãn hạn tù lại chuyển về Căng an trí Ba Tơ để tiếp tục giam lỏng. Địch cho rằng, cách quản thúc trong điều kiện khắc nghiệt sẽ làm tù chính trị phai nhạt ý chí đấu tranh và rừng thiêng nước độc sẽ giết dần giết mòn người tù. Thế nhưng, chẳng những không triệt tiêu được lòng căm thù giặc, trái lại, trong hoàn cảnh đó đã nung nấu ý chí đánh địch của những người tù yêu nước.
Núi Cao Muôn - Ba Tơ. Ảnh: Văn Xuân |
Tháng 4.1930, đồng chí Nguyễn Nghiêm - Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Quảng Ngãi đã lên Ba Tơ kiểm tra và quyết định thành lập Chi bộ Bãi Ri, thuộc xã Ba Động- chi bộ đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi. Bí thư Chi bộ là đồng chí Trần Toại. Trại cày Bãi Ri lúc này làm công tác tài chính và tuyên truyền của tổ chức đảng. Từ cuối năm 1930, chi bộ Bãi Ri đã cử cán bộ hoạt động ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tháng 3.1945, Nhật - Pháp bắn nhau, thời cơ tới, từ người tù bị quản thúc, cụ Hương và các đồng chí ở Căng an trí Ba Tơ trở thành quân khởi nghĩa.
Tại chòi canh Suối Loa (Ba Động), trưa 11.3.1945, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã họp bàn phương án, kế hoạch cướp chính quyền, khởi nghĩa bằng lực lượng vũ trang. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi, đồng bào Kinh và đồng bào Hrê từ Trường An, Suối Loa (Ba Động) mang giáo mác và biểu ngữ kéo lên châu lỵ Ba Tơ hô vang khẩu hiệu “Đánh đổ quân phiệt Nhật, tẩy sạch thực dân Pháp”, “Việt Nam độc lập” làm quân địch hoảng sợ. Đến tối 11.3 quân khởi nghĩa do các đồng chí Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn và Nguyễn Khoách chỉ huy, chia thành hai mũi xông vào nha kiểm lý tước vũ khí địch, tịch thu toàn bộ vũ khí. Sau đó, đoàn quân khởi nghĩa gồm 17 chiến sĩ được sự hỗ trợ của hàng vạn quần chúng tiến về đánh chiếm đồn Ba Tơ. Quân khởi nghĩa nhanh chóng chiếm đồn, giải phóng châu lỵ Ba Tơ. Sáng 12.3.1945, ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Ba Tơ tổ chức mittinh tuyên bố cuộc khởi nghĩa thắng lợi.
Sau đó, tại bãi Hang Én, 23 thành viên, trong đó có cụ Hương, tham gia thành lập Đội du kích Ba Tơ với khẩu hiệu “Hy sinh vì Tổ quốc” rồi tiến về lập căn cứ trên núi Cao Muôn. Tuy thiếu thốn, gian khổ, nhưng đội quân du kích vẫn tích cực tập luyện đội hình, đội ngũ, đánh giáp lá cà để chuẩn bị tiến về đồng bằng cướp chính quyền. Từ núi rừng Ba Tơ, đội du kích Ba Tơ xuôi về đồng bằng thành lập đại đội Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám tham gia tổng khởi nghĩa cướp chính quyền vào tháng 8.1945 ở Quảng Ngãi, trở thành lực lượng nòng cốt trong kháng chiến chống Pháp ở khu vực Nam Trung Bộ.
Tự hào với truyền thống anh hùng
Trong suốt những năm tháng kháng chiến, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng bào Hrê ở xã Ba Vinh vẫn một lòng theo Đảng, bảo vệ quê hương và cán bộ cách mạng. Đặc biệt, đồng bào Hrê đã tự nguyện theo họ của bác Phạm Văn Đồng, tham gia đánh Mỹ, giải phóng huyện lỵ vào tháng 3.1972, được Nhà nước tuyên dương huyện Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau chiến tranh, người dân Ba Tơ đoàn kết cùng nhau nỗ lực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội và một lần nữa vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương huyện Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Niềm vui ấy còn được nhân đôi khi năm 2013, 6 xã của huyện, trong đó có xã Ba Vinh, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là An toàn khu (ATK) trong kháng chiến chống Pháp.
Dưới chân núi Cao Muôn, xã Ba Vinh đang đổi thay từng ngày. |
Tự hào là vùng đất anh hùng, trong nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Ba Vinh luôn đi đầu trong các phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Ba Vinh đang thay da đổi thịt từng ngày, cuộc sống người dân cũng bớt nhọc nhằn hơn.
Nhiều tuyến đường bê tông, cầu bắc qua sông Liêng nối Ba Vinh với các địa phương khác được xây dựng. Những ngôi nhà 167 ngói mới đỏ tươi thay thế dần những căn nhà sàn cũ kỹ, tạm bợ. Ông Phạm Văn Rạch - Chủ tịch UBND xã Ba Vinh, cho biết: Từ nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, người dân Ba Vinh đã từng bước được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục. Dù cuộc sống của bà con chưa hẳn đã sung túc, nhưng nhiều gia đình ở đây từng bước thoát nghèo bền vững. Hiện số hộ nghèo chỉ còn khoảng 450 hộ trong tổng số 1.225 hộ của xã.
Anh Phạm Văn Rin, một người dân thôn Nước Nẻ (Ba Vinh), chia sẻ: Đồng bào Hrê ở đây đã học được cách trồng và chăm sóc rừng, đã biết đem rơm rạ về nhà làm thức ăn cho trâu bò và làm phân chuồng để bón cho cây lúa, cây mía và hoa màu. Nhờ đó, từ năm 2001 đến nay mỗi hộ có ít nhất trên 3ha đất rừng, vườn rừng, có hộ trồng trên chục hecta keo và nhà nào ít cũng chăn nuôi vài ba con trâu, con bò, có nhà nuôi tới 5 - 7 con với trị giá hàng chục triệu đồng. “Huyện được 2 lần vinh danh Anh hùng, xã Ba Vinh còn được công nhận là ATK, nên người dân phải ra sức lao động, sản xuất để xứng với danh hiệu ấy”, anh Rin tâm niệm.
Nguyễn Triều