(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, MTTQVN huyện Mộ Đức đã phát huy vai trò, làm tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trên địa bàn huyện, nhằm góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường đoàn kết, kỷ cương xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Năm 2009, Đức Hòa được công nhận là xã văn hóa đầu tiên của huyện Mộ Đức. Đến nay cả 9 thôn trong xã đều có nhà văn hóa để phục vụ cho công tác hội họp, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tổ chức các phong trào văn hóa - văn nghệ. Mỗi nhà văn hóa được Nhà nước hỗ trợ đầu tư gần 300 triệu đồng, phần nhân dân đóng góp hơn 80 triệu. Chị Nguyễn Thị Trâm, ở thôn Phước An cho biết: “Từ ngày có nhà văn hóa tôi và bà con tham gia đều đặn các hoạt động của địa phương, gắn kết tình làng nghĩa xóm và nắm bắt đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”…Toàn xã hiện có 4/9 thôn đã có cổng làng, 38/46 khu dân cư có cổng kiên cố; thôn Phước An và Phước Hiệp có sân bóng đá đạt chuẩn, thu hút khá đông thanh niên tham gia các hoạt động thể thao, giải trí lành mạnh.
Cổng chào xã Đức Thạnh. |
Với xã Đức Thạnh, năm 2011 cũng được công nhận là xã văn hóa. Xã có 4 thôn với 27 KDC, ở mỗi thôn đều có cổng chào kiên cố, nhà văn hóa với đầy đủ các trang thiết bị và có sân bóng lớn để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân. Nhà văn hóa ở thôn Lương Nông Bắc mở cửa theo giờ hành chính để phục vụ nhân dân. Tại đây có 3 cán bộ phụ trách, 2 máy tính bàn kết nối mạng, 1 máy in để người dân đến tìm hiểu các phương pháp, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi mới. “Có thể thấy, trong những năm qua, đời sống nhân dân ở xã ngày càng được nâng cao, số gia đình đạt và giữ chuẩn gia đình văn hóa đạt hơn 80%, số hộ không sinh con thứ 3 giảm mạnh, hình thành nhiều CLB thu hút đông đảo người dân tham gia”, ông Nguyễn Văn Năm - Chủ tịch UBND xã Đức Thạnh, nói.
Có thể nói, 5 năm qua, MTTQ các cấp trong huyện Mộ Đức đã làm tốt vai trò của mình, khơi dậy nguồn lực trong nhân dân, phát huy tinh thần tự quản, ý thức trách nhiệm của cộng đồng cùng nhau phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo và xây dựng đời sống văn hóa. Trên địa bàn huyện có 371 KDC, gần 27.000 hộ đạt và giữ chuẩn gia đình văn hóa (78%), 46 thôn đạt và giữ chuẩn thôn văn hóa (67%), có 60% thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện thực hiện tốt hương ước cộng đồng dân cư. Thực hiện Kế hoạch số 11- KH/HU ngày 12.10.2011 của Ban Thường vụ Huyện ủy, MTTQVN huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai phát động thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” lồng ghép trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Sau hơn 3 năm triển khai, các cấp Mặt trận trong huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả 31 mô hình điển hình “Dân vận khéo”, tiêu biểu là các mô hình phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; mô hình phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững; mô hình bảo vệ môi trường; mô hình vận động nhân dân góp công, góp vốn, hiến đất làm giao thông nông thôn và xây dựng cơ sở hạ tầng. Phối hợp và huy động nhân dân đóng góp xây dựng 225 cổng chào tại KDC với số tiền trên 2,7 tỷ đồng. Đã vận động nhân dân đóng góp làm hơn 100km điện đường thắp sáng, hiến hơn 25.000 m2 đất, nhiều vật kiến trúc, hàng ngàn cây ăn quả và đóng góp kinh phí ngày công lao động để xây dựng bêtông gần 40km đường thôn, tổ dân phố; kiên cố hóa 10,4km kênh mương thủy lợi…
Ông Nguyễn Quang Vinh – Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Mộ Đức cho biết: Cuộc vận động này đã thu hút sự tham gia của tất cả các tầng lớp nhân dân; góp phần củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận trong thời kỳ mới. Gắn kết nhiều phong trào như xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa…đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư; góp phần tích cực vào mục tiêu giảm nghèo của huyện, thực hiện có hiệu quả các chương trình an sinh xã hội, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.
Bài, ảnh: Hiền Thu