Thực hiện Nghị quyết TƯ 4 ở Quảng Ngãi: Củng cố niềm tin của dân với Đảng 9 (kỳ 2)

02:12, 19/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Được việc, được dân, được cán bộ và được tổ chức" là ý kiến của nhiều lãnh đạo huyện, thành phố khi nói về thực hiện Quy định Bí thư cấp ủy tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Sự “gặp gỡ” này giúp “hạ nhiệt” nhiều vấn đề bức xúc trong dân như giải phóng mặt bằng, tái định cư, quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiền thuế đất của doanh nghiệp, xây dựng nông thôn mới...

TIN LIÊN QUAN


Kỳ 2: Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với dân"


Năm 2013, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm 26,1% so với năm 2012. Kết quả này đã phần nào nói lên ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo tiếp nhận, xử lý những đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cũng phải nói rằng kết quả đó có sự đóng góp rất lớn của Quy định Bí thư cấp uỷ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân đã được tỉnh ta triển khai có hiệu quả trong năm qua.

 

 Bí thư Huyện ủy Sơn Hà tiếp xúc đối thoại với nhân dân xã Sơn Kỳ.
Bí thư Huyện ủy Sơn Hà tiếp xúc đối thoại với nhân dân xã Sơn Kỳ.


Cụ thể là, đến nay có trên 70% kiến nghị của nhân dân tại các buổi đối thoại đã được các cấp ủy trong tỉnh chỉ đạo giải quyết. Điển hình như việc đầu tư xây dựng Trạm bơm nước Đồng Cồn ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa); điều chỉnh mức bồi thường cho nhân dân thuộc vùng dự án VSIP; thu hồi đất của một số hộ dân lấn chiếm trái phép trong việc mở rộng Trường Mẫu giáo thị trấn Đức Phổ (Đức Phổ); giải quyết việc khiếu kiện kéo dài hơn 23 năm của các hộ dân trong việc mua lại Cửa hàng thực phẩm và sắp xếp ổn định chỗ bán hàng cho bà con tiểu thương chợ Châu Ổ (Bình Sơn); giải quyết vụ tồn đọng hơn 12 năm đối với 68 hộ dân xã Hành Phước (Nghĩa Hành); xử lý cán bộ địa chính cho người dân mượn đất trái phép (thị trấn Đức Phổ); xử lý các hộ dân lấn chiếm rừng phòng hộ ở hồ Vực Thành, xã Trà Phú; thu hồi đất các nông, lâm trường sử dụng không hiệu quả với diện tích 4.670 ha để giao cho địa phương quản lý…
 

Năm 2013, có 10 giám đốc sở, ngành thực hiện đối thoại trên sóng PTTH tỉnh; 14/14 Bí thư huyện, thành phố tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân tại 30 xã, phường, thị trấn; 107 Bí thư cấp ủy xã, phường, thị trấn tiếp xúc, đối thoại với nhân dân tại 169 thôn, tổ dân phố. Bí thư các cấp ủy đã ra 202 thông báo kết luận chỉ đạo các cơ quan chức năng có kế hoạch, biện pháp tháo gỡ, xem xét giải quyết những vụ việc tồn đọng.

Ông Hồ Văn Long ở thôn Phú Hòa, xã Trà Phú (Trà Bồng) phấn khởi nói: “Sau đối thoại ở xã, lãnh đạo huyện có văn bản trả lời những kiến nghị của dân và tổ chức gặp sau hậu đối thoại để nghe người dân nói gì sau những giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền. Chúng tôi rất mừng vì cán bộ ngày càng có tinh thần trách nhiệm với dân. Qua đối thoại cũng giúp chúng tôi hiểu pháp luật, các chủ trương của Đảng và Nhà nước nhiều hơn”.

Hiệu quả từ việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa Bí thư cấp ủy với nhân dân ở các địa phương trong tỉnh trông thấy rõ. Có những nỗi niềm nhân dân “mang nặng” suốt hàng chục năm trời, nay được giải tỏa, giải quyết dứt điểm. Có địa phương, thoạt đầu, người dân quyết liệt phản đối việc giải tỏa nhà cửa, mồ mả… để xây dựng các công trình theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thế mà, ngay sau buổi tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với bí thư cấp ủy, nhận thức rõ việc nên và không nên, người dân tự giác tháo dỡ, di dời hàng chục ngôi mộ, nhà cửa để bàn giao mặt bằng xây dựng công trình. Đặc biệt, qua tiếp xúc, đối thoại, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc phục vụ nhân dân được nâng cao. Cũng từ đó, số lượng đơn thư, khiếu nại của người dân ở các địa phương giảm đáng kể.

Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Quyết định ban hành quy chế tiếp xúc, đối thoại của Bí thư các cấp ủy đảng với nhân dân là một quyết định rất đúng đắn, hợp lòng dân và được đông đảo cán bộ, đảng viên đồng tình. Ba kết quả lớn mà tỉnh thu được là, đã tạo ra một môi trường rất thuận lợi để đồng chí bí thư cấp ủy được gặp gỡ dân nhiều hơn, được trực tiếp lắng nghe người dân trình bày nguyện vọng, đề đạt, giải quyết những vấn đề bức xúc trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong vấn đề xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Nhờ đó, mối quan hệ giữa Đảng và dân khắng khít, cởi mở và gắn bó hơn.

Thứ hai, thông qua việc tiếp xúc, đối thoại với dân, trách nhiệm của cán bộ trong hệ thống chính trị và đặc biệt của người đứng đầu cấp ủy cũng như người đứng đầu của các tổ chức trong hệ thống chính trị được nâng lên rõ rệt. Nhiều đồng chí Bí thư cấp ủy, trưởng các sở ngành, các cơ quan đơn vị đã dành nhiều thời gian để trực tiếp nghe, nắm bắt chỉ đạo, giải quyết kịp thời những vấn đề của dân, thông qua hình thức này năng lực, trình độ của cán bộ cũng được nâng lên đáng kể.

Thứ ba, thông qua đối thoại, tiếp xúc nhiều vấn đề được giải quyết kịp thời, “giải nhiệt” những bức xúc trong dân. Từ đó tạo ra niềm tin, phấn khởi trong nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền, góp phần ổn định chính trị trên địa bàn rất lớn trong thời gian qua và thúc đẩy nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Tôi cho rằng, việc triển khai quy chế đối thoại còn góp phần tích cực trong chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là trong xây dựng một tinh thần gần dân, sát  dân, lắng nghe dân và quan tâm giải quyết những vấn đề của dân, của người cán bộ.
      

Bài, ảnh: Thanh Thuận    

*Kỳ 3: Còn nhiều việc phải làm

 


.