(Báo Quảng Ngãi)- Cả đời mặc áo lính, từng tham gia đánh Điện Biên Phủ, chiến dịch Quảng Đà, Phú Yên, mở đường Trường Sơn huyền thoại… nhưng với Đại tá Phạm Hương (94 tuổi) ở thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, thì những ngày ở an toàn khu (ATK) Ba Tơ là những ký ức khó phai nhòa. Bởi đó là một thời tuổi trẻ hào hùng, vượt qua khó khăn như lời tuyên thệ của Đội du kích Ba Tơ quyết " hy sinh vì Tổ quốc"…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nghe tin 5 xã cùng thị trấn Ba Tơ được Nhà nước công nhận là vùng ATK, cụ Hương, phấn chấn: "Việc công bố là đáp ứng tâm tư nguyện vọng, là ghi nhận công lao và đóng góp của đồng bào, chiến sĩ du kích Ba Tơ. Dù rằng, trong số những đội viên du kích Ba Tơ có mặt trong ngày đầu thành lập, tổ chức tuyên thệ ở hang Én, chọn vùng núi Cao Muôn để lập chiến khu bây giờ hầu hết đã về nơi xa khuất".
Di tích Bến Buông là nơi ghi dấu một thời cụ Phạm Hương và đội thuyền ngược sông Liêng chuyển lương thực về căn cứ Cao Muôn. |
Ông Hương như sống lại một thời trai trẻ hào hùng. Ông kể: "Mình quê ở xã Tịnh Khê, theo cách mạng, rồi cơ sở bị lộ, Pháp bắt giam ở nhà lao Di Lăng (Sơn Hà). Ra tù, chúng lại đưa về giam lỏng ở Căng An trí Ba Tơ. Về đây, tui phải chống đò qua sông Liêng, nuôi vịt, buôn cau...".
Nhưng việc ông Phạm Hương buôn bán chỉ để che mắt địch, dễ liên hệ, nhóm họp với anh em tù chính trị. Khi Nhật, Pháp bắn nhau, ngày 9.3.1945, Tỉnh ủy Quảng Ngãi chỉ đạo chớp lấy thời cơ phát động quần chúng giành chính quyền. Cho đến giờ, mỗi khi nhắc lại ngày khởi nghĩa 11.3.1945, mắt ông Hương vẫn sáng rực: "Dưới ngọn đuốc, giáo mác sáng lòe, họ cùng với những tù chính trị tiến hành khởi nghĩa vũ trang, đánh chiếm Nha kiểm lý, đồn Ba Tơ, rồi tuyên bố khởi nghĩa thắng lợi, thành lập Đội du kích Ba Tơ. Trong buổi đầu non trẻ ấy, anh Kiệt (tức Trung tướng Phạm Kiệt) anh Đôn (tức Trung tướng Nguyễn Đôn) hiểu rõ để bảo toàn, phát triển lực lượng, hạn chế va chạm với quân Nhật cần phải lập chiến khu". Với suy nghĩ này nên Đội du kích Ba Tơ tiến hành vượt sông Liêng ra hướng bắc để xây dựng căn cứ. Tại hang Én, Đội du kích Ba Tơ tổ chức lễ tuyên thệ rồi vượt sông Liêng về vùng núi Cao Muôn xây dựng căn cứ.
Vùng núi Cao Muôn xưa là rừng già, đồi núi hiểm trở. Những thành viên của Đội du kích Ba Tơ hiểu rõ mục tiêu của mình là phải đánh đổ thực dân, phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân, nên tích cực tham gia học tập chính trị và huấn luyện quân sự.
Trên núi Cao Muôn thời tiết rất khắc nghiệt, nhiệt độ ngày và đêm chênh nhau khá lớn. Nhưng tinh thần yêu nước đã giúp họ vượt qua tất cả. Những ngày đó, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã điều động đồng chí Nguyễn Chánh (tức tướng Nguyễn Chánh) lên Cao Muôn tham gia chỉ đạo đội du kích tập luyện. Để đảm bảo lương thực thực phẩm cho đội du kích, ông Phạm Hương trở thành chiến sĩ quân lương.
"Nhận nhiệm vụ tui phấn khởi lắm, bí mật trở về đồng bằng, tìm gặp cơ sở ở Nghĩa Hành, Mộ Đức, huy động dân đóng góp lương thực. Đồng thời, cùng với cơ sở thành lập đội thuyền chuyển gạo, muối mắm, cá khô vượt sông Liêng đến Bến Buông (Ba Thành) tiếp tế lương thực”, cụ Hương kể.
Trên dòng sông Vệ, sông Liêng ngày đó, có những thuyền ban ngày ẩn náu trong lau lách bờ sông đánh cá, nhưng đêm đến ngược dòng về với Cao Muôn. "Ở đèo Đá Chát khi đó có đồn địch. Thi thoảng chúng bắn súng tiểu liên hàng tràng xuống sông. Mình cùng với anh em chèo thuyền phải nhảy xuống sông tránh đạn. Có khi chúng lùng sục ráo riết phải đánh chìm thuyền, cõng gạo theo dọc bìa sông mà ngược đường lên" - cụ Hương nhớ lại. Nhưng mặc cho sự lùng sục của kẻ thù, hàng chục chuyến thuyền tải lương vẫn ngược dòng sông Vệ , sông Liêng lên đến Bến Buông để bà con anh em du kích chuyển lên núi Cao Muôn cho quân ta.
Biết Đội du kích Ba Tơ thành lập chiến khu trên núi Cao Muôn, quân Nhật tiến đánh. Nhưng địa hình hiểm trở, đồng bào đùm bọc chở che nên địch không đánh được đành rút quân về. Khi Tỉnh ủy Quảng Ngãi chủ trương đẩy mạnh việc phát triển lực lượng, Đội du kích Ba Tơ theo chỉ đạo của tướng Nguyễn Chánh, Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn đã tiến về vùng trung châu thành lập Đại đội Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám tích cực tập luyện. Khi có lệnh khởi nghĩa, những thành viên của Đội du kích Ba Tơ cùng các lực lượng quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Quảng Ngãi trở thành một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất cả nước.
Với cụ Hương cùng những thành viên của Đội du kích Ba Tơ, tuy ở vùng chiến khu trong thời gian không dài, nhưng đó là buổi đầu cách mạng đầy khó khăn, tất cả đã vượt qua để trưởng thành. Việc huyện Ba Tơ tổ chức lễ công bố quyết định của Chính phủ về vùng ATK Ba Tơ là niềm vui, niềm tự hào của người dân Ba Tơ nói riêng, Quảng Ngãi nói chung trong đó có cụ Hương cùng những đồng chí, đồng đội thời kháng chiến.
Bài, ảnh: MAI HẠ