(Báo Quảng Ngãi)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan vừa có buổi làm việc với huyện Ba Tơ về tình hình thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, miền núi trên địa bàn. Dù có nhiều nỗ lực nhưng ở Ba Tơ, một số chương trình, chính sách vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Thực hiện chính sách nhà ở, định canh, định cư chậm
Đối với nhà ở, hiện tại, trong số 542 hộ nghèo được xét duyệt hỗ trợ xây dựng chỉ có khoảng 390 hộ đã có nhà, còn lại vẫn dở dang, thậm chí là chưa xây dựng. Nguyên nhân do vốn rót về chậm, người dân chưa tiếp cận được khoản vốn vay ưu đãi của ngân hàng. Trong khi đó khả năng tự đầu tư làm nhà của dân không có, dẫn đến nhiều hộ vẫn phải sống trong những căn nhà tạm bợ, không đảm bảo an toàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Những hộ dân thuộc diện tái định cư xen ghép và tái định cư tập trung của Ba Tơ hiện vẫn bị “treo” do việc triển khai gặp nhiều vướng mắc. Trong nhiều khu tái định cư được triển khai thì đến nay chỉ có tái định cư tập trung để di dời 49 hộ dân Làng Diều, thôn Làng Mâm, xã Ba Bích (vốn gần 7 tỷ đồng) là sắp về đích. Còn lại 5 khu tái định cư khác ở Ba Khâm, Ba Tiêu, Ba Điền, Ba Vinh đã được tỉnh cho phép thực hiện từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa chính thức triển khai. Trong khi đó đây lại là những vùng có nguy cơ cao nếu xảy ra thiên tai, bão lũ.
Đối với định canh cho vùng dân tộc thiểu số, hiện Ba Tơ vẫn còn 545 hộ đã được UBND tỉnh phê duyệt cấp 175 ha đất sản xuất từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Không đủ đất sản xuất, người dân đang gặp nhiều khó khăn.
Hỗ trợ sản xuất, đời sống chưa kịp thời
Năm 2013, huyện Ba Tơ được phân bổ hơn 10 tỷ đồng vốn sự nghiệp Chương trình 30a để hỗ trợ cho dân sản xuất. UBND huyện đã phân khai khoảng 6,3 tỷ đồng trực tiếp hỗ trợ cây, con giống cho nhân dân; còn lại đầu tư chuyển đổi nghề, khuyến nông, dân số… Tuy nhiên, đến thời điểm này một số đơn vị chủ đầu tư mới chỉ giải ngân đạt dưới 50%. Riêng đối với nguồn hỗ trợ cây con giống giao cho UBND xã làm chủ đầu tư đến nay vẫn chưa hoàn thành. Hiện tại Ba Tơ mới có 14/20 xã được phê duyệt đề án; 6 xã chưa làm xong đề án. Nguyên nhân chậm là do xã lúng túng trong lập hồ sơ thủ tục. UBND huyện chỉ đạo đến 30.8 sẽ hoàn tất phê duyệt đề án; 30.9 phải cấp xong cây, con giống cho dân.
Đối với hỗ trợ cho đồng bào theo Quyết định 289/QĐ-TTg (hỗ trợ dầu hỏa), toàn huyện có hơn 3.200 người được thụ hưởng, kinh phí 410 triệu đồng. Rút kinh nghiệm những năm trước, trong tổng số tiền dân được hưởng (có hai mức 80.000 đồng và 100.000 đồng/khẩu/năm) năm nay sau khi trừ tiền tương đương 5 lít dầu hỏa/hộ, huyện sẽ cấp số tiền còn dôi dư khoảng 40.000 đồng đến 60.000 đồng cho dân. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 16 xã, thị trấn cấp phát cho dân; còn lại 4 xã: Ba Tiêu, Ba Tô, Ba Động, Ba Liên, mặc dù huyện đã có văn bản nhắc nhở.
Xây dựng cơ bản còn hạn chế
Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản Ba Tơ được giao năm 2013 hơn 106 tỷ đồng, trong đó vốn phân khai mới trong năm hơn 87 tỷ đồng. Trong đó có gần 30 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 30a xây dựng cơ sở hạ tầng. Đối với vốn 30a, huyện đầu tư 11 công trình đường, trường, trạm. Đến nay các công trình này đều có khối lượng.
Ông Phạm Thanh Hiền – Trưởng ban Dân tộc tỉnh – cơ quan quản lý nhà nước đối với 8 trong tổng số 12 chính sách dân tộc, miền núi của Ba Tơ nhận định: “So với các huyện miền núi khác trong tỉnh, Ba Tơ đạt kết quả cao hơn trong thực hiện chương trình, chính sách miền núi, nhất là sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn này”. Tuy nhiên, nhiều sở, ngành tham dự vẫn cho rằng công tác xây dựng cơ bản của Ba Tơ vẫn còn nhiều hạn chế, lúng túng, nhất là thủ tục triển khai. Ví dụ như khu tái định cư Làng Mâm (Ba Bích) sau nhiều năm vẫn chưa hoàn thành; công tác quản lý vốn còn lỏng lẻo, để nhà thầu ứng vốn với số tiền lớn rồi tự ý bỏ không thi công đến nay chưa trả lại...
Đối với vốn duy tu bảo dưỡng công trình từ nguồn 30a được phân từ đầu năm nhưng đến nay Ba Tơ chưa hoàn tất thủ tục triển khai thực hiện (hơn 600 triệu đồng). Các xã có công trình được chọn duy tu ít quan tâm đến công tác này, dẫn đến ảnh hưởng tiến độ chung của huyện.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan yêu cầu huyện Ba Tơ tập trung chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, chậm trễ; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác thực thi ở cơ sở. “UBND huyện cần phải chủ động triển khai, đôn đốc, nhắc nhở và hướng dẫn kịp thời các địa phương thực hiện nghiêm túc các chương trình, chính sách. Nơi nào để xảy ra chậm trễ do chủ quan phải chấn chỉnh, xử lý kịp thời, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số có thêm cơ hội phát triển kinh tế, cải thiện đời sống” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan nhấn mạnh.
Bài, ảnh: THANH NHỊ