Giải quyết chế độ chính sách cho người có công: Rào cản từ những thủ tục

04:07, 26/07/2013
.

(QNg)- Tháng 7 được xem là tháng cao điểm để cả nước tri ân  các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh xương máu vì độc lập tự do của  dân tộc trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại. Cũng từ đó, những gia đình chính sách cảm thấy ấm lòng. Tuy vậy, hiện vẫn còn không ít trường hợp chưa được hưởng một chế độ, chính sách nào, trong khi tuổi đã cao, sức yếu, lại mang trong mình các di chứng do chiến tranh để lại. Trong đó có nhiều cựu TNXP và người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin chưa được giải quyết chế độ.

TIN LIÊN QUAN


 Cần sự vào cuộc mạnh mẽ

Để từng bước tháo gỡ những vướng mắc trong việc thực hiện chế độ chính sách cho gia đình có công, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã tổ chức nhiều buổi đối thoại với những người chưa được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. Qua những buổi đối thoại đó đã bộc lộ một thực tế đáng buồn là, thủ tục hồ sơ giải quyết các chế độ chính sách còn bất cập do những quy định của Nhà nước chưa rõ ràng. Mặt khác, một bộ phận cán bộ làm công tác chính sách máy móc, thiếu quan tâm, thậm chí có trường hợp khuất tất, thiếu công bằng, gây bức xúc trong  dân.

 

 Đồng chí Phạm Thanh Hải - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tặng quà cho gia đình chính sách.
Đồng chí Phạm Thanh Hải - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tặng quà cho gia đình chính sách.

 

Cụ thể là, quy định những người tham gia TNXP trong kháng chiến phải có hồ sơ gốc mới có cơ sở xét duyệt và làm chế độ. Tuy nhiên, phần lớn những đối tượng này không thể có hồ sơ gốc; thậm chí không có bất cứ giấy tờ gì minh chứng. Hay như, yêu cầu phải có sự xác nhận của nơi đi TNXP, nhưng nhiều  trường hợp cựu TNXP tìm về địa phương để xác nhận nhưng không được. Những cựu TNXP là người đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn hơn, vì không còn nhớ đơn vị, người lãnh đạo, không biết viết chữ...

Hiện nay, tổng số cựu TNXP đang sinh sống trên địa bàn tỉnh là 17.711 người, trong đó hội viên Hội cựu TNXP là 12.511 người. Thế nhưng, đến nay chỉ có gần 3.000 cựu TNXP được hưởng các chế độ chính sách và chỉ mới có 1 người được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 40; 56 người được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần theo Quyết định 62.
 
Hiện còn 77 người chưa được công nhận liệt sĩ; 938 người bị thương trong khi làm nhiệm vụ nhưng chưa được giải quyết chế độ thương binh; 827 người đã lập hồ sơ xem xét giải quyết chế độ nhiễm chất độc hóa học nhưng chưa được xem xét giải quyết; 5.439 người chưa được hưởng bảo hiểm y tế; 1.859 người chưa được hưởng các chế độ theo Quyết định 104 và 2.180 người đã làm hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định 40 nhưng chưa được xét duyệt; 1.296 người đã làm hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định 62 nhưng do thiếu giấy tờ gốc nên chưa được xem xét. Do đó, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách mạnh mẽ.
 
Hiện nay, toàn tỉnh đã xác nhận hơn 180.000 đối tượng người có công (chiếm 13,8% dân số). Trong đó có 585 cán bộ lão thành cách mạng (còn sống 48), 426 cán bộ tiền khởi nghĩa (còn sống 127); 2.564 bà Mẹ VNAH (còn sống 206 mẹ); 25 Anh hùng lao động, Anh hùng LLVT (trong đó 24 Anh hùng LLVTND). Trên 24.200 thương binh, 5.737 bệnh binh, 37.413 liệt sĩ, 9.903 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày hưởng trợ cấp một lần; 4.903 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ. 23.872 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương trợ cấp một lần và 6.249 người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng…

 Nhiều thủ tục không sát thực tế

Tỉnh ta hiện có trên 20 ngàn người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin (kể cả người tham gia kháng chiến và không tham gia kháng chiến). Nhưng hiện nay mới chỉ có 4.495 đối tượng được giám định, công nhận là nạn nhân chất độc da cam và được hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị định 54/NĐ-CP. Số còn lại vẫn chưa có được chế độ ưu đãi nào.

Theo Sở LĐ - TB&XH, hiện có trên 4.000 hồ sơ xin khám, giám định còn tồn đọng. Điều khó khăn và bất cập trong công tác giải quyết chế độ mà chính các nạn nhân và các cấp, ngành đang gặp phải là việc triển khai thực hiện các thủ tục giấy tờ rất phức tạp, dẫn đến việc thẩm định hồ sơ rất khó khăn. Đó là, quy định về thủ tục hồ sơ yêu cầu phải có bệnh án điều trị bệnh liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học.
 
Do đó, để có bệnh án hoàn chỉnh hồ sơ, nhiều người phải làm thủ tục đến bệnh viện khám, điều trị. Quy trình xét duyệt hồ sơ cũng phải qua khá nhiều cấp (xã, huyện, tỉnh) và phải niêm yết công khai danh sách đối tượng 15 ngày trước khi trình hội đồng xét duyệt chính sách ở xã xét duyệt từng hồ sơ nên mất rất nhiều thời gian.

 

Đồng thời, do quy định về chính sách có mở rộng về điều kiện xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (danh mục bệnh theo Quyết định 09/QĐ-BYT) nên số lượng hồ sơ đề nghị giám định tăng nhiều, trong khi mỗi tuần Hội đồng giám định y khoa tỉnh chỉ họp một phiên để xem xét kết luận khoảng 40 hồ sơ, dẫn đến không thể giải quyết giám định, kết luận kịp thời các hồ sơ Sở LĐ – TB&XH chuyển đến. Mặt khác, Bộ LĐ-TB&XH đã nhiều lần có văn bản hướng dẫn phải tạm dừng giải quyết chế độ cho nạn nhân chất độc da cam dẫn đến việc hồ sơ bị tồn đọng là không thể tránh khỏi, gây tâm lý hoang mang cho đối tượng đang chờ được xét duyệt chế độ…

Đền ơn đáp nghĩa là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, thể hiện đạo lý cao đẹp và trách nhiệm của xã hội đối với những người đã hy sinh xương máu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, dân tộc. Do vậy công tác giải quyết chế độ cho đối tượng chính sách cần tiếp tục được quan tâm đúng mức.

 

Ông Nguyễn Duy Nhân – Giám đốc Sở LĐTB&XH:
Dù đã có nhiều cố gắng trong công tác thẩm định hồ sơ nhưng số lượng cựu TNXP và những người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học chưa được giải quyết chế độ hiện còn rất lớn. Vấn đề này, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Bộ LĐ-TB&XH trước mắt cho tỉnh linh động giải quyết chế độ cho một số đối tượng trong thực tế chứng minh được có tham gia kháng chiến. Ngoài ra, cũng đề nghị Bộ sớm ban hành các tiêu chí về giám định sức khỏe đối tượng phơi nhiễm chất độc hóa học làm cơ sở giải quyết kịp thời chính sách cho họ. Việc nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức trong việc hướng dẫn giải quyết thủ tục giấy tờ cho những người làm chính sách,  sắp tới chúng tôi sẽ chấn chỉnh.

Ông Đào Văn Hanh- Chủ tịch Hội Cựu TNXP Quảng Ngãi:
Trong những năm qua, Hội đã rất nỗ lực phối hợp cùng với các cấp, ngành liên quan trong việc giải quyết chế độ cho hội viên đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn trong công tác xác nhận, thủ tục xét duyệt, còn rườm rà, nên số lượng TNXP được hưởng các chế độ chính sách còn hạn chế. Trong khi hầu hết cựu TNXP tuổi đã cao, nhiều người  sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, có người tuổi không "theo kịp" chế độ, chính sách. Do vậy, rất mong Nhà nước sớm giải quyết chế độ chính sách cho họ.

Bà Tạ Thị Thủy, tổ dân phố 3, thị trấn Đức Phổ (Đức Phổ):
Việc làm thủ tục, hồ sơ xin giải quyết chế độ chính sách qua rất nhiều khâu nhưng nhiều cán bộ làm chính sách không giải thích, hướng dẫn rõ ràng cho người dân, dẫn đến phải đi lại nhiều lần, qua  nhiều cửa nhưng vẫn không giải quyết xong. Do đó, cần phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn, thậm chí là quy định thời gian trả lời hồ sơ cho người dân một cách cụ thể. Chứ lâu nay, hồ sơ của dân ngâm hết tháng này qua năm nọ. Nhiều người chờ mãi đến lúc qua đời vẫn chưa được trả lời.  

Thương binh 3/4 Nguyễn Đức Dâng, thôn Kim Giao, xã Phổ Thuận (Đức Phổ):
Tôi thấy việc làm các thủ tục để được hưởng chế độ nhiễm chất độc da cam rất khó khăn. Trong khi đó nhiều người quen biết với những cán bộ làm chính sách thì họ được giải quyết nhanh, thậm chí có người không xứng đáng cũng được công nhận và hưởng tiền trợ cấp khiến nhiều người đáng ra được hưởng rất bức xúc. Ngoài ra, khi có dư luận đối tượng nào đó “chạy” chính sách thì cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, kiểm tra, chứ còn nếu bảo ai đó làm đơn tố cáo thì rất khó bởi họ sợ bị làm khó dễ sau này.


 

X.Thiên - X.Hiếu
 


.