(QNg)- Chiều 27/2, đồng chí Phạm Minh Toản- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân ở TP.Quảng Ngãi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đến nay, UBND TP.Quảng Ngãi đã nhận được 16 báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, phường. Đã có 150/166 thôn, tổ dân phố của 10 xã, phường tổ chức lấy ý kiến góp ý của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Các đơn vị còn lại hiện đang khẩn trương tổ chức lấy ý kiến góp ý của nhân dân vào dự thảo.
Đồng chí Phạm Minh Toản - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với UBND thành phố Quảng Ngãi. Ảnh: P.LÝ |
Đồng chí Phạm Minh Toản đánh giá cao công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Thành phố đã xây dựng kế hoạch cụ thể và thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị, địa phương tổ chức lấy ý kiến góp ý vào dự thảo. Đồng chí nhấn mạnh, việc góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp phát triển của đất nước. Sau công tác tổ chức lấy ý kiến, việc tổng hợp các ý kiến đóng góp vào dự thảo phải đảm bảo đầy đủ, chuẩn xác.
*Sáng 27/2, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thị Xuân Hồng đã kiểm tra việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại huyện Đức Phổ. Theo UBND huyện Đức Phổ, 15 xã, thị trấn trong huyện đều xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai cho cán bộ chủ chốt cấp xã và bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ dân phố và cán bộ công tác Mặt trận thôn, đồng thời phổ biến rộng rãi qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở.
Đến nay có 593 ý kiến (ở 26 cơ quan, đơn vị và 15 xã, thị trấn) góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó tập trung chủ yếu vào Chương II về Quyền con người, Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Tuy nhiên, việc triển khai lấy ý kiến tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại huyện Đức Phổ vẫn chưa được sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, thời gian lấy ý kiến cận ngày Tết nên chất lượng và hiệu quả chưa cao.
Phát biểu tại buổi kiểm tra Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thị Xuân Hồng cho rằng: Việc tổ chức lấy ý kiến phải thể hiện được ý chí, nguyện vọng, sự chủ động đóng góp của các tầng lớp nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân đối với quá trình sửa đổi Hiến pháp, nên cần tập trung thực hiện có hiệu quả.
P.Lý - K. Sơn