Góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

09:03, 01/03/2013
.

(QNg)- Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là nhằm để đảm bảo đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của dân, do dân và vì dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.

TIN LIÊN QUAN

 

*Đại tá Võ Văn Hưng-Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Cách mạng là nhân tố hàng đầu   


Theo đại tá Võ Văn Hưng- Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cần sửa đổi Điều 71, 72 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (gọi tắt là dự thảo). Dự thảo nêu: Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại... (Điều 71); Công an nhân dân Việt Nam cách mạng được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại... (Điều 72).

Đại tá Hưng lập luận, nếu để như thế sẽ dễ dẫn đến sự nhầm lẫn rằng, phương hướng xây dựng quân đội và công an chỉ gồm 3 nội dung: Chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại mà loại bỏ một nội dung quan trọng thuộc về bản chất mà chúng ta phải thường xuyên củng cố và xây dựng, đó là "cách mạng". Đồng thời, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước (sửa đổi, bổ sung năm 2011) cũng đã nêu rõ: "Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin yêu".

"Để cho Quân đội và Công an tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân thì yếu tố "cách mạng" trong từng cán bộ, chiến sĩ là nhân tố hàng đầu và phải được thường xuyên chăm lo, củng cố, xây dựng. Do vậy, đề nghị sửa Điều 71: Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại...; Điều 72: Xây dựng Công an nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại...", đại tá Hưng nói. Cũng trong chương IV về bảo vệ Tổ quốc, đại tá Võ Văn Hưng cho rằng, cần bổ sung cụm từ "tăng cường quốc phòng", "trật tự an toàn xã hội" trong Điều 69 của dự thảo để cho nội dung được phản ánh toàn diện và đầy đủ hơn; đồng thời cũng là để thống nhất với nội dung đã được Đảng ta khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Dự thảo nêu: "Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân...", đề nghị sửa thành "Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội là sự nghiệp của toàn dân...".

 

*Ông Nguyễn Ngọc Linh- Phó Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi: Cần làm rõ phạm trù "Quyền con người"
Nên đưa chương về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân từ chương V của Hiến pháp năm 1992 lên chương II của Dự thảo sửa đổi và đổi tên là "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân". Đây là một trong những chương quan trọng thể hiện rõ nhất quan điểm của Nhà nước ta về quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân và nghĩa vụ của công dân. Điều này khẳng định, Nhà nước ta tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, chăm lo hạnh phúc và sự phát triển tự do của mỗi người. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Linh cũng cho rằng, quyền con người và quyền công dân là hai phạm trù rất gần gũi nhưng không đồng nhất. Vì vậy, đề nghị Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp xem xét làm rõ phạm trù quyền con người để khi người dân tiếp cận với Hiếp pháp dễ hiểu và không bị nhầm lẫn.

 

*Ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Giám đốc Sở Y tế: Bổ sung điều mới về quyền sống của con người là cần thiết
Đối với Điều 21 (mới), việc bổ sung điều mới về quyền sống của con người là cần thiết. Quyền được sống của con người là quyền cơ bản và bắt buộc. Tuy nhiên, quy định này quá ngắn gọn, chưa rõ hết ý của quyền được sống. Dự thảo nêu: "Mọi người có quyền sống". Do đó cần điều chỉnh: "Mọi người đều có quyền được sống, tồn tại và phát triển". Theo ông Hùng, cần bổ sung cụm từ "hoặc người giám hộ hợp pháp của người đó đồng ý" vào khoản 3, Điều 22 (sửa đổi, bổ sung Điều 71), cụ thể: "Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm khác trên cơ thể người phải được người đó hoặc người giám hộ hợp pháp của người đó đồng ý". "Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm khác trên cơ thể người phải được "người đó đồng ý" là chưa phù hợp với thực tiễn. Bởi lẽ, trong hoạt động thực tế của ngành y, dược, việc nghiên cứu, thử nghiệm trên lâm sàng nhiều trường hợp đối tượng cần nghiên cứu "không có khả năng tự quyết". Ví dụ trường hợp trẻ em, người bệnh tâm thần, người bị hôn mê, chết não. Do vậy, cần bổ sung thêm cụm từ nói trên", ông Hùng phân tích.            
        

P.Lý (thực hiện)
 


.