Góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Thay đổi mang tính nguyên tắc

03:03, 06/03/2013
.

(QNg)- Góp ý Chương IX về chính quyền địa phương trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhiều ý kiến nhận định đây là sự thay đổi mang tính nguyên tắc tổ chức bộ máy Nhà nước.

TIN LIÊN QUAN


Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đổi tên chương IX "Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân" thành tên gọi mới là "Chính quyền địa phương". Chương này được rút ngắn từ 8 Điều (Hiến pháp năm 1992) xuống còn 5 Điều. Đa số ý kiến thống nhất với tên gọi mới và cho rằng sửa đổi, bổ sung lần này tinh gọn, dễ hiểu.

Đại biểu góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại hội nghị do Uỷ ban MTTQVN tỉnh tổ chức.
Đại biểu góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại hội nghị do Uỷ ban MTTQVN tỉnh tổ chức.


Ông Võ Văn Sáu- Phó Chủ tịch HĐND huyện Đức Phổ bày tỏ quan điểm, sự thay đổi này không phải là vấn đề từ ngữ mà là sự thay đổi mang tính nguyên tắc tổ chức bộ máy Nhà nước. Theo ông Sáu, dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này xem chính quyền địa phương là một bộ phận hợp thành của chính quyền nhà nước thống nhất của nhân dân, bao gồm các cơ quan đại diện quyền lực Nhà nước ở địa phương, do nhân dân địa phương trực tiếp bầu ra.

Ông Nguyễn Vỹ-Phó trưởng Phòng Tư pháp TP. Quảng Ngãi nhận định, việc đổi tên Chương IX làm rõ hơn tính chất của hệ thống cơ quan ở địa phương trong mối quan hệ với trung ương, thể hiện tính gắn kết giữa HĐND và UBND trong chỉnh thể của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, xoay quanh chương này có một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện hơn.

Ông Lê Văn Thoảng-Phó Chủ tịch HĐND huyện Sơn Tịnh cho rằng, cần sửa tiêu đề Chương IX thành "chính quyền địa phương các cấp", nhằm tăng tính tự chủ của chính quyền địa phương ở mỗi cấp, nâng cao vai trò của cơ quan dân cử về bảo đảm lợi ích của nhân dân địa phương. Đối với góp ý của UBND TP. Quảng Ngãi thì Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chưa thể chế rõ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền ở địa phương và một vấn đề quan trọng là hiện nay một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường.

Vì vậy, cần khẩn trương tổng kết, đánh giá và thể chế rõ trong Hiến pháp là ở mỗi cấp chính quyền có hay không tổ chức HĐND; đồng thời cần xác định rõ vị trí, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc tổ chức thực thi Hiến pháp, pháp luật ở địa phương.  

Đối với vấn đề tổ chức chính quyền địa phương, theo ông Võ Văn Sáu thì Khoản 2 Điều 115 của dự thảo tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới chính quyền địa phương. Dự thảo không quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp chính quyền địa phương trong Hiến pháp mà giao cho luật quy định: "Việc thành lập HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính lãnh thổ do luật định phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị hành chính lãnh thổ và phân cấp quản lý". Điều này thể hiện sự đổi mới tư duy về tổ chức chính quyền địa phương là phân chia lãnh thổ thành các đơn vị hành chính và gắn với nó có cơ quan quản lý không nhất thiết là có đầy đủ hai chủ thể. Ở các đơn vị hành chính không tổ chức HĐND thì chỉ còn là một cấp hành chính hoặc một cơ quan hành chính đại diện, sẽ áp dụng cơ chế bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo UBND thay cho cơ chế bầu cử kết hợp phê chuẩn như hiện nay.

Ông Sáu đề nghị cần quy định chính quyền địa phương gồm có chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. "Trong dự thảo hiện nay chưa phân biệt sự khác nhau về vị trí, tính chất, chức năng giữa các đơn vị hành chính cơ bản là tỉnh, thành phố với đơn vị hành chính trung gian là huyện, quận, phường. Như thế dẫn đến tình trạng chức năng và hình thức hoạt động của HĐND và UBND đô thị và nông thôn được áp dụng giống nhau cho tất cả các cấp hành chính. Điều này chưa phù hợp với điều kiện kinh tế, địa lý, dân cư, kết cấu hạ tầng, đặc điểm và yêu cầu quản lý của các đơn vị hành chính ở các cấp, chưa tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội", ông Sáu phân tích.


Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ
 


.