Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

02:03, 02/03/2013
.

TIN LIÊN QUAN

 

*Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ- Giám đốc Sở VH-TT&DL: Cụm từ “Tinh thần đa dạng và lành mạnh” là không rõ nghĩa.


Tại Khoản 2, Điều 64 chương III của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ghi cụm từ “Tinh thần đa dạng và lành mạnh” là không rõ nghĩa. Dự thảo nêu: “Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân, góp phần bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn của người Việt Nam; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội”.

Do đó cần bỏ cụm từ “tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân”, đồng thời bỏ cụm từ “đáp ứng nhu cầu” ở phía trước cụm từ này; thêm cụm từ “sự nghiệp” vào trước cụm từ “văn học, nghệ thuật”. Dự thảo nêu: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển của đất nước”. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nên bổ sung cụm từ “là mục tiêu” theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), điều chỉnh lại là:  “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực, là mục tiêu phát triển của đất nước”.

Khoản 1 của Dự thảo, nêu: “Nhà nước và xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ, tiến bộ; bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”. Tiến sĩ Vũ cho rằng nên bỏ cụm từ “nhân văn, dân chủ, tiến bộ”. Ở Điều 3 của Dự thảo đã nói rõ “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...”; và ngay trong cụm từ “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã bao hàm tính “nhân văn, dân chủ, tiến bộ”, Tiến sĩ Vũ giải thích.

 

*Ông Vũ Đức Tế- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT: Sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn.  


Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, ông Vũ Đức Tế bày tỏ quan điểm: Những sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 liên quan đến công tác giáo dục là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Các điều được sửa đổi ngắn gọn, song vẫn bảo đảm tính thống nhất của đạo luật cơ bản.


Khoản 3, Điều 66 của Dự thảo nêu: “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng. Người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học văn hóa và học nghề phù hợp”. Ông Tế đề nghị bổ sung cụm từ “khuyến khích” vào sau cụm từ “Nhà nước và xã hội” ở câu thứ nhất. Ông Tế lý giải: “Khuyến khích có nghĩa là tác động đến tinh thần để tạo sự phấn khởi, tin tưởng mà cố gắng hơn, là tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ hơn”.

 

*Ông Võ Xuân Tân-Phó Giám đốc Sở TN&MT: Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai cần được thảo luận thêm


Ông Võ Xuân Tân nhấn mạnh, vấn đề nêu tại Điều 57 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 một lần nữa Nhà nước khẳng định là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý các nguồn tài nguyên của quốc gia theo quy định của pháp luật là cần thiết và phù hợp với chế độ chính trị xã hội xã hội chủ nghĩa. Theo ông Tân, thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2003 trong những năm qua cho thấy hầu hết các quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu đã được thực hiện trên thực tế. Tuy nhiên, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai cũng đang đặt ra những vấn đề cần được thảo luận để tiếp tục hoàn thiện.

Lý giải về điều đã nói, ông Tân cho rằng, khi xác định “chế độ sở hữu toàn dân” về đất đai với ý nghĩa chỉ có một chủ thể sở hữu là “toàn dân” và là sở hữu chung hợp nhất dễ nảy sinh tình trạng “cha chung không ai khóc”. Quan hệ giữa “toàn dân” và Nhà nước về mặt pháp lý là mối quan hệ giữa chủ sở hữu với người đại diện nhưng cơ chế thực hiện mối quan hệ này chưa thật rõ ràng. Trong khi đó vai trò và điều kiện quản lý của Nhà nước các cấp còn hạn chế, điều này dễ dẫn đến việc lợi dụng quyền hạn để trục lợi cho cá nhân. Việc khẳng định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai đồng thời với việc Nhà nước giao quyền định đoạt cho người sử dụng đất quá lớn đang tạo ra những luồng ý kiến khác nhau. Với những quy định của pháp luật hiện hành, Nhà nước đang rất khó khăn trong việc điều tiết phần giá trị tăng lên từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng mang lại, tạo ra sự bất hợp lý, bất bình đẳng trong xã hội.


Phương Lý (lược ghi)

 


.