(QNg)- Trong ba vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay thì vấn đề trọng tâm và cấp bách nhất là "sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý".
Phê bình và tự phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên là nhóm giải pháp đầu tiên đã và đang được tiến hành. Đến thời điểm này, nhiều địa phương, đơn vị đã hoàn thành việc kiểm điểm phê bình và tự phê bình tập thể, cá nhân theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Qua đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt này, nhiều đồng chí lãnh đạo cho biết đã nhận thức, nhận diện rõ hơn sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.
Đó là tình trạng cán bộ, đảng viên giảm sút ý chí chiến đấu, tham ô, sách nhiễu dân, thậm chí cố tình làm trái quy định của Nhà nước, gây thiệt hại về kinh tế đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa ngã trước cám dỗ vật chất, danh lợi. Thêm vào đó việc đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ; chưa chú trọng phát hiện và có cơ chế thật sự để trọng dụng người có đức, có tài; không kiên quyết thay thế người vi phạm, uy tín giảm sút, năng lực yếu kém…
Cùng chính vì vậy, việc kiểm điểm phê bình và tự phê bình yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải tiên phong.
Vì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có gương mẫu, tự giác, nghiêm túc nhìn nhận thiếu sót, khuyết điểm của mình (về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống) nói ra trước tập thể thì mọi người mới mạnh dạn góp ý. Đồng thời, mọi người trong tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đó có thành tâm, thành ý giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp của mình, phê bình một cách thẳng thắn, chân thành thì người được phê bình mới thấy thoải mái, nhận ra những điều sai của mình mà sửa.
Khi nói về phê bình và sửa chữa khuyết điểm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đến chữ "dũng", rất cần dũng khí trong tự phê bình và phê bình. Bác cho rằng: "Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, tiền tài, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, cho nhân dân, không sợ hy sinh, gian khổ". Nói phải đi đôi với làm. Song muốn làm một cách có hiệu quả cần một cơ chế phê và tự phê đúng đắn, trước hết phải thực hiện tốt quy chế dân chủ trong Đảng, trong các cơ quan, đơn vị. Nếu phê và tự phê trong hoàn cảnh thiếu dân chủ tất yếu sẽ dẫn đến sự xuê xoa, e dè hoặc ngược lại, những người dám thẳng thắn góp ý, phê bình (nhất là với cấp trên) dễ bị nhận phần thiệt thòi về mình.
Bác Hồ đã từng nói: "Muốn sửa chữa cho tốt, phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không thật thà tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi".
Tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 không phải là cái gì mới mẻ, tuy nhiên để nghị quyết đạt được kết quả như mong đợi, mang lại một luồng sinh khí mới thì cần có sự quyết tâm cao, mà trước hết cần làm tốt 3 vấn đề cơ bản của Nghị quyết TƯ 4 là: Ngăn chặn đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền…
Trong ba vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay thì vấn đề trọng tâm và cấp bách nhất là "sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số lãnh đạo cao cấp" và vấn đề lớn nhất làm suy yếu năng lực lãnh đạo là chủ nghĩa cá nhân, gây mất lòng tin trong quần chúng nhân dân. Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) đang được triển khai thực hiện từ Trung ương xuống địa phương, từ các đồng chí trong thường vụ cấp ủy, đến từng cấp ủy đảng các cấp.
Để việc kiểm điểm đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, không xảy ra hiện tượng "đánh trống bỏ dùi", làm qua loa, góp phần làm chuyển biến thật sự trong Đảng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng thì mỗi đảng viên dù bất cứ cương vị nào cũng phải nêu cao tính gương mẫu, kiểm điểm nghiêm túc, thực hiện tự phê bình và phê bình, trước hết là ở những đảng viên chủ trì, đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
Thanh Thuận