(QNĐT)- Những ngày này cách đây 45 năm, quân và dân các xã khu Tây Sơn Tịnh gồm: Tịnh Sơn, Tịnh Minh, Tịnh Bình, Tịnh Bắc, Tịnh Đông cùng bộ đội chủ lực quân khu V và dân quân địa phương đã tiêu diệt 4 tiểu đoàn tinh nhuệ của nguỵ, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn miền Tây Sơn Tịnh, góp phần đánh bại chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế Quốc Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chiến thắng Ba Gia một lần nữa thể hiện sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, của thế trận lòng dân. 45 năm đã trôi qua, nhưng hào khí của chiến thắng Ba Gia lẫy lừng vẫn còn vang vọng mãi đến hôm nay.
Những cựu chiến binh, ĐVTN trong tỉnh hành hương về vùng đất lửa Ba Gia. |
Năm nay mặc dù đã bước qua cái tuổi 75, thế nhưng những kỷ niệm trong các trận đánh Ba Gia cách 45 năm dường như vẫn còn in đậm trong tâm trí người cựu chiến binh già Phan Công Chánh. Ông nói, chiến thắng Ba Gia là một chiến thắng có ý nghĩa vô cùng to lớn cả về măt chiến thuật, chiến dịch và chiến lược. Chiến thắng Ba Gia đã để lại nhiều bài học quý báu, đó là bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân và sự kết hợp chiến đấu giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích cùng sức mạnh vô địch của thế trận lòng dân.
Đó còn là sự kết hợp giữa tấn công tiêu diệt địch của lực lượng vũ trang với nổi dậy của quần chúng giành quyền làm chủ, giữa tấn công tiêu diệt địch với chống phá kế hoạch "bình định" của địch. Chiến thắng Ba Gia thể hiện rõ nét tinh thần chiến đấu, phục vụ chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, mưu trí, linh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân...
Thắm hương cho các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong trận đánh Ba Gia. |
Ngoài những người trực tiếp cầm súng chiến đấu, có những người âm thầm phục vụ cuộc chiến, trong đó có những người lái đò đưa thương binh qua sông, những người tham gia tải đạn, cõng và chăm sóc thương binh... Những việc làm của họ đã góp sức rất lớn vào chiến thắng quân thù.
Ông Từ Quang Tráng, nguyên đội trưởng đổi phẫu thuật Trung đoàn Ba Gia năm xưa nhớ lại, trong trận đánh Ba Gia ông được phân công nhiệm vụ cứu chữa cho các thương binh. Trong 7 ngày đêm liên tục và ác liệt, trạm phẫu dã chiến của ông luôn phải thay đổi liên tục bởi sự bắn phá ác liệt của địch. Nhiều lúc vừa cứu chữa thương binh, vừa chạy đạn, thậm chí khi đang cứu chữa đạn pháo của địch nổ ngay cạnh trạm dã chiến,không ít thương binh bị thương nặng hơn khi trúng thêm đạn pháo của địch.
Ông cũng không nhớ hết là chính tay ông đã mổ, cứu cho bao nhiêu chiến sĩ đồng đội của mình. Ông nói, trong đội phẩu thuật của ông năm xưa có rất nhiều, phần lớn là những phụ nữ, trong đó có không ít dân thường. Họ tự nguyện tham gia cõng, chăm sóc thương bệnh binh. Tất cả họ rất gan dạ và anh dũng. Bởi trong những trận mưa đạn, họ vẫn lao qua lửa đạn để cõng bệnh binh. Song, đáng khâm phục nhất là trường hợp của chị Nguyễn Thị Quân, quê ở Tịnh Sơn. Trong trận đánh Ba Gia ác liệt, đứa con trai của chị đã hy sinh. Thế nhưng, chị chỉ kịp đắp chiếu cho đứa con trai, nuốt nước mắt vào lòng, rồi tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ cõng và chăm sóc thương binh.
Cũng như chị Quân, ông Trần Đối, xã Tịnh Sơn huyện Sơn Tịnh. Trong chiến dịch Ba Gia, ông là người trực tiếp chèo đò đưa hàng trăm lượt thương binh vượt sông về căn cứ chữa vết thương. Nhờ giữ bí mật nên hầu hết những chuyến đò qua sông đều an toàn mà không bị địch phát hiện. Chính những người dân như chị Quân, ông Đối đã góp phần vào chiến thắng của quân ta trước kẻ thù hùng mạnh.
Một góc trung tâm Ba Gia, Tịnh Bắc hôm nay |
Ông Từ Quang Tráng, kể thêm: ông vẫn nhớ nhất trong một lần cứu chữa thương binh, các chiến sĩ của ta đưa đến cho ông một lính Mỹ da đen bị thương ở vùng bụng. Khi đưa đến, tên lính này bị thương khá nặng, huyết áp hầu như xuống rất thấp. Lúc này, trong ba lô chỉ còn 3 lọ máu khô, nhưng được sự chỉ đạo là phải phải ưu tiên để cứu lính Mỹ bị thương. Trong khi, ông và những những y tá ra sức cứu chữa tên lính Mỹ bị thương thì phía trên, Mỹ liên tục oanh tạc và phải nhiều lần ông cùng những y tá phải cõng nhười lính Mỹ này chạy tránh những làn đạn của chính những người Mỹ. Và mỗi lần như thế, vết thương lại bục ra nặng thêm.
Song với quyết tâm cứu cho bằng được người lính Mỹ này, cuối cùng ông cùng những y tá trong đội đã thành công. Sau khi bình phục, người lính Mỹ này cũng không hiểu vì sao, chính những người mà người lính Mỹ như anh đang ra sức tìm cách để tiêu diệt lại cứu chữa vết thương và trả lại tự do cho anh ta. Anh ta chỉ biết cúi đầu để cảm ơn những người bên kia chuyến tuyến đã cứu mình khỏi cái chết và anh cũng đã hiểu rõ như thế nào là cuộc chiến tranh tranh phi nghĩa mà những người Mỹ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam.
45 năm sau chiến thắng Ba Gia lẫy lừng và 35 năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Đi lên từ những đống đổ nát và vết thương của chiến tranh, cuộc sống của người dân các xã khu Tây huyện Sơn Tịnh hôm nay đã đổi thay rất nhiều. Những năm qua, hệ thống hạ tầng điện, đường, trường trạm ở các xã khu Tây Sơn Tịnh đã được nhà nước đã đầu tư được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, vui chơi giải trí cho người dân nơi đây.
Ngôi trường mang tên chiên thắng lịch sử Ba Gia vừa đón nhận trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2001-2010. |
Anh Lương Văn Trị-Chủ tịch UBND xã Tịnh Bắc phấn khởi khoe với chúng tôi rằng, sau ngày giải phóng, cuộc sống của người dân nơi đây còn khổ lắm, thế rồi năm 1989, khi công trình Thạch Nham đem những dòng nước tưới mát cho các cánh đồng khô cằn nơi đây. Cuộc sống của người dân đã dần đổi thay. Hiện, riêng cây lúa, năng suất bình quân của xã đạt trên 60 tạ/ha. Ngoài cây lúa thì các loại cây rau màu khác cũng cho năng suất cao.
Không chỉ nông nghiệp, mà nhưng năm qua, Tịnh Bắc là một trong những xã khu Tây huyện Sơn Tịnh phát triển mạnh loại hình dịch vụ thương mại, với trên 175 cơ sở kinh doanh và đây được xem là khu thị tứ của cả vùng Tây Sơn Tịnh.
Cùng với đó, giáo dục cũng được xem là một những niềm tự hào của xã. Hiện, xã có một ngôi trường vinh dự mang tên chiến công lịch sử, đó là Trường THPT Ba Gia. Được hình thành từ những năm đầu giải phóng, Trường THPT Ba Gia có nhiệm vụ đào tạo con em của các xã khu Tây huyện Sơn Tịnh và chính ngôi trường này đã đào tạo bao thế hệ học sinh được trưởng thành đã và đang tiếp bước cha ông, đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Bài, ảnh: M.Toàn