Thẩm định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

11:03, 16/03/2023
.
(Baoquangngai.vn) Sáng 16/3, tại trụ sở Bộ KH&ĐT, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng chủ trì Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch tỉnh (Báo cáo ĐMC) Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 
[links()]
 
Tham dự phiên họp có Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh; lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh; huyện Bình Sơn, TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi và các chuyên gia, nhà khoa học là Ủy viên phản biện Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi.
 
Có ý nghĩa đặc biệt quan trọng
 
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh nhấn mạnh, công tác tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoạch định tầm nhìn dài hạn để phát triển tỉnh Quảng Ngãi. Quy hoạch tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là công cụ đặc biệt quan trọng để tỉnh hoạch định phương hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH), phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ tới, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển toàn diện, hài hòa, hiệu quả và bền vững. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Quảng Ngãi xác định công tác lập Quy hoạch tỉnh là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt. 
 Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phát biểu khai mạc phiên họp.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phát biểu khai mạc phiên họp.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh (Quyết định số 1574/QĐ-TTg ngày 12/10/2020), tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh. Đã tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tỉnh, tư vấn lập Báo cáo ĐMC đảm bảo năng lực, kinh nghiệm theo đúng quy định. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng 38 nội dung đề xuất để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh. Đến nay, tỉnh đã tổ chức 3 kỳ hội thảo để tham vấn nhiều chủ thể ở nhiều cấp khác nhau từ các bộ, ngành trung ương, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, đến các địa phương trong vùng và liền kề, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của người dân, cộng đồng dân cư để lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện Quy hoạch tỉnh. Cùng với đó, tỉnh cũng đã tổ chức lập Báo cáo ĐMC theo đúng quy định tại Điều 26 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
 
Nghiên cứu công phu, đảm bảo tính khả thi
 
Tại phiên họp, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ KH&ĐT) Định Trọng Thắng cho biết, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được nghiên cứu công phu, nghiêm túc; phân tích, xây dựng dựa trên một hệ thống thông tin, dữ liệu khá đầy đủ, đáng tin cậy về hiện trạng, tiềm năng và khả năng phát triển, đảm bảo tính khả thi. 
 
Quy hoạch được chia thành 5 phần, gồm 22 chương thể hiện đầy đủ 16 nội dung chính theo Điều 27 Luật Quy hoạch. Đây là bản quy hoạch được lập theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành, nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, phù hợp với quan điểm, định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành, lĩnh vực cấp quốc gia, quy hoạch vùng đã được phê duyệt hoặc đang được lập. Đồng thời, cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển KT – XH, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đã được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 và đảm bảo tính liên kết, thống nhất, đồng bộ trong định hướng phát triển giữa các ngành, lĩnh vực thông qua việc xây dựng 38 nội dung đề xuất tích hợp vào Quy hoạch tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho biết, song song với quá trình lập Quy hoạch tỉnh, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã tổ chức lập Báo cáo ĐMC theo Điều 26 Luật Bảo vệ môi trường và tại hội thảo tham vấn ngày 14/2/2023 do Bộ KH&ĐT chủ trì, Báo cáo ĐMC tỉnh Quảng Ngãi đã được 19/19 phiếu đồng ý thông qua với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện...
 
Tư duy mới, tầm nhìn mới
 
Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển KT – XH đất nước, của vùng giai đoạn 2021-2030; từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Quảng Ngãi trong thời kỳ quy hoạch. 
 
Quy hoạch tỉnh đưa ra 3 tầm nhìn chiến lược gồm: Quảng Ngãi phát triển dựa trên những ưu thế riêng có của mình - hướng đến mô hình phát triển kiểu mẫu bền vững. Là một điểm đến mới, chuyên sâu trên cung kinh tế trọng điểm miền Trung, liên kết với TP. Đà Nẵng, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Bình Định trở thành trung tâm kinh tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Cùng với Quảng Nam, tỉnh sẽ phát huy lợi thế riêng có để trở thành trung tâm công nghiệp, hậu cần cảng biển, kinh tế biển- đảo, kinh tế rừng xanh, hành lang kinh tế Đông Tây.
 
Quy hoạch tỉnh xác định phương hướng phát triển là lấy ngắn hạn để xây dựng dài hạn. Trong ngắn hạn, phát triển nhanh dựa trên cơ sở tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực đang có sẵn lợi thế. Trong trung hạn và dài hạn, phân bổ tối đa nguồn lực hỗ trợ phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với xu thế phát triển xanh và bền vững như: Kinh tế rừng, nông nghiệp tuần hoàn, chế biến sâu nông lâm thủy sản, năng lượng sạch… Định hướng trong thời gian đến, tỉnh sẽ vẫn tập trung phát triển công nghiệp để làm động lực, trong tương lai, nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển theo hướng hữu cơ, bền vững, xanh.
 
Quy hoạch cũng nêu ra 4 nhiệm vụ trọng tâm và 4 đột phá. Trong đó, 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Đổi mới sắp xếp không gian phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện xây dựng chính quyền điện tử. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch để từng bước trở thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; phát triển, quảng bá văn hóa, lịch sử, di sản Quảng Ngãi. Đảm bảo sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên đất, tài nguyên nước; bảo vệ đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. 
 
Bốn đột phá gồm: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với trọng tâm là đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.  Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, phân bổ nguồn lực thu được từ công nghiệp hỗ trợ phát triển các lĩnh vực phù hợp hơn với xu thế phát triển của tương lai. Đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, tạo động lực cho phát triển; ưu tiên các công trình trọng điểm về giao thông; thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số. Áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên.
 
Phát triển theo hướng hài hòa và bền vững
 
Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng 3 kịch bản phát triển, gồm: Phát triển theo hướng đa trung tâm; phát triển theo hướng công nghiệp hóa toàn diện và phát triển theo hướng hài hòa và bền vững. Trong đó, mỗi kịch bản đều có những ưu thế và nhược điểm riêng. Với điều kiện thực tế và với tiềm lực, dư địa phát triển hiện có, qua phân tích, cân nhắc các yếu tố về kinh tế, xã hội, môi trường, tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn phát triển theo hướng hài hòa và bền vững (tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 là 7,25-8,25%) là kịch bản phát triển của tỉnh trong thời kỳ tới. 
 
“Tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước; là tỉnh công nghiệp với hai ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép. Hướng tới năm 2050, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung. Bên cạnh đó, trên cơ sở phân tích thực trạng, nhận diện được các thế mạnh, điểm yếu của từng vùng, khu vực trên địa bàn tỉnh, Quy hoạch tỉnh cũng đã định hình không gian, tầm nhìn phát triển thể hiện qua cấu trúc 4 hành lang kinh tế chiến lược, 5 vùng liên huyện kết nối, 6 không gian kinh tế động lực. Đây được xem là cấu trúc của sự phát triển cân bằng, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực duyên hải, trung du, miền núi và hải đảo của Quảng Ngãi”, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho hay.
 
Báo Quảng Ngãi điện tử sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến, kết quả bỏ phiếu và kết luận phiên họp của Hội đồng thẩm định ở bản tin tiếp theo
 
PHẠM DANH
 

.