Tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

04:02, 24/02/2023
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 24/2, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tổ chức Hội nghị trực truyến với các địa phương về tình hình triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia chủ trì hội nghị. 
[links()]
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Ngãi; cùng dự hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
 
Báo cáo tại hội nghị lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, đến nay, trung ương đã ban hành cơ bản đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống cơ chế, chính sách khung để thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG). Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn từ nguồn ngân sách trung ương đến nay vẫn còn hạn chế; việc ban hành các văn bản quản lý và triển khai tổ chức thực hiện ở các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
 
Đến hết năm 2022 cả nước có 6.001/8.211 xã đạt chuẩn nộng thôn mới, 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều duy trì giảm từ 1 đến 1,5%/năm.
 
Về tình hình phân bổ vốn thực hiện 3 Chương trình MTQG, đến ngày 31/12/2022, lũy kế vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương đã giải ngân hơn 9 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 37,73% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao; đến 31/1/2023, giải ngân hơn 13,7 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 57,21% kế hoạch và dự kiến đến hết 31/12/2023 giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2022. Lũy kế giải ngân vốn ngân sách nhà nước trung ương năm 2023 thực hiện 3 Chương trình MTQG, đến ngày 31/1/2023 có 14 địa phương đã giải ngân khoảng 312,6 tỷ đồng, ước đến 28/2/2023, có 17 địa phương giải ngân được khoảng 545,2 tỷ đồng...
 
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi.
 
Tại tỉnh Quảng Ngãi, đối với nguồn vốn đầu tư công, tổng kế hoạch vốn đầu tư công tỉnh giao thực hiện 3 Chương trình MTQG năm 2022 hơn 772,5 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương hơn 570 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 202 tỷ đồng. Kết quả, đến 31/1/2023 giải ngân đạt hơn 491,5 tỷ đồng, bằng 63,03% tổng kế hoạch vốn được giao. 
 
Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công tỉnh giao thực hiện 3 Chương trình MTQG hơn 648,4 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương hơn 497 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng hơn 151 tỷ đồng. Hiện các địa phương, đơn vị đang tổ chức triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư. 
 
Đối với nguồn vốn sự nghiệp, năm 2022, tổng vốn sự nghiệp tỉnh đã phân bổ thực hiện 3 Chương trình MTQG gần 253 tỷ đồng. Đến thời điểm 31/1/2023, tổng số vốn đã giải ngân bằng 31,7% so với kế hoạch vốn giao. Năm 2023, UBND tỉnh lập phương án dự kiến phân bổ kinh phí tổng số vốn hơn 676,2 tỷ đồng. 
 
Nhìn chung quá trình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được triển khai nhanh chóng, kịp thời, hoàn thành việc thành lập Ban Chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên, từ đó, tạo sự xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Quảng Ngãi gặp một số khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn. 
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị (Ảnh TTXVN).
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị (Ảnh TTXVN).
 
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như quy định về giao kế hoạch vốn sự nghiệp giai đoạn 5 năm thực hiện các Chương trình MTQG; cơ chế bố trí ngân sách địa phương thực hiện các chính sách tín dụng hỗ trợ thực hiện một số nội dung thuộc các chương trình; việc áp dụng cơ chế đặc thù và trình tự lấy ý kiến các bộ, cơ quan trung ương về danh mục loại công trình đặc thù.
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết những vấn đề cấp thiết, bức bách nhất của đời sống nhân dân, được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và người dân đặc biệt quan tâm.
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành trung ương căn cứ nhiệm vụ được giao tập trung hoàn thiện ban hành các văn bản hướng dẫn để quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình MTQG , trong đó nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định chưa rõ hoặc chưa phù hợp với thực tiễn ở các địa phương; các địa phương cần tập trung thực hiện lồng ghép 3 Chương trình MTQG, nghiên cứu, rà soát các dự án thuộc các chương trình MTQG để hạn chế tối đa việc đầu tư dàn trải, manh mún; MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội giám sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng ở cơ sở để tiếp thu và giải quyết những khó khắn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG... 
 
Trên cơ sở tiếp nhận các ý kiến phản ánh tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành ở trung ương liên quan trực tiếp có văn bản giải trình, hướng dẫn thực hiện một số nội dung theo kiến nghị của các địa phương trước ngày 31/3. Đồng thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình lồng ghép 3 Chương trình MTQG.
 
Tin, ảnh: N.ĐỨC

.