Chớ nên nghịch dại

02:11, 07/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Không nghịch ngợm không phải là học trò, nhưng nghịch đến nỗi đưa bạn đến chỗ nguy hiểm như trường hợp vừa xảy ra ở một trường THCS thuộc TP.Hà Nội thì là nghịch dại. Bị bạn trêu đùa, xúc phạm nên em Q - một nam sinh lớp 9 đã nhảy từ lầu 3 khiến em này bị thương rất nặng.
 
Theo phản ánh của những  học sinh chứng kiến vụ việc thì em Q trong giờ học thể dục nhưng không học vì trời mưa đã cùng các bạn xem đánh cờ thì bất ngờ một em khác đến từ phía sau tụt quần bạn Q trước sự “cổ vũ” của đám bạn. Hai bên cự qua cãi lại, thầy giáo dạy thể dục đã bắt các em xin lỗi và làm hòa. Việc cứ tưởng thế là êm, nhưng khi vào lớp, Q tiếp tục bị các bạn trêu chọc, bêu riếu nên em đã tìm cách “giải thoát” bằng hành động rất nông nổi nêu trên.
 
Chuyện đùa nghịch, trêu nhau bằng đủ các trò “không giống ai” thì có lẽ, bất cứ ai đã từng đi học đều biết, có khi mình cũng có lần là thủ phạm trong các trò nghịch ấy. Vẽ bậy hoặc viết bậy vào giấy rồi “móc” vào cổ áo hoặc tóc bạn để cả bọn cùng cười, đổ mực xuống ghế ngồi cho bạn “dính bẩn” để cả lũ ngặt nghẽo khi thấy bạn bối rối vì chiếc quần đầy mực...
 
Tệ hơn hết là lấy khuyết tật trên cơ thể bạn để trêu đùa. Đấy không còn là trò trêu chọc thông thường của lứa tuổi học trò nữa, mà là nghịch dại. Tụt quần bạn trước đám đông là một hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác chứ không còn là nghịch nữa.
 
Những “nạn nhân” hoặc nén đau khổ mà chịu trận hoặc phản ứng lại bằng những hành động vượt quá tầm kiểm soát, đe dọa đến tính mạng của người trêu ghẹo. Trong hàng loạt clip đánh nhau của học sinh được tung lên mạng thời gian qua, chắc chắn sẽ có những xung đột từ các trò nghịch dại ấy.
 
Thời nào thì việc trêu đùa chọc ghẹo nhau trong lứa tuổi học trò cũng có cả. Nhưng để những trò nghịch ấy đừng vượt qua lằn ranh đỏ của sự xúc phạm dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, thì câu chuyện giáo dục trong những giờ sinh hoạt cuối tuần là rất quan trọng. Tuổi học trò thì chưa nghĩ ngợi gì nhiều về hậu quả, chỉ cốt sao “vui là được”, bất kể người mang lại cái sự “vui” kia đau khổ thế nào. Vì vậy, nên chăng các giáo viên chủ nhiệm cũng cần nhắc nhở, thậm chí nêu ra những trường hợp cụ thể để các em thấy đó mà tránh. Xử lý hậu quả là việc đã rồi, tốt nhất là nên ngăn ngừa trước khi xảy ra hậu quả.
 
Chúng ta hãy dạy cho học trò biết tôn trọng bạn mình, biết giúp đỡ hơn là trêu chọc xúc phạm bạn; biết nâng đỡ nếu bạn có khiếm khuyết chứ không lấy đó làm chỗ chế nhạo để mua vui...  Đừng để bóng đen nghịch dại phủ lên tuổi học trò. Đấy mới là điều cần học thuộc trước khi muốn làm những điều to tác.
 
TRẦN ĐĂNG
 

.