Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến về chính sách tài khoá, tiền tệ

01:01, 07/01/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 7/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH.
[links()]
 
Dự kỳ họp tại điểm cầu tỉnh Quảng Ngãi có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy; Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương; các ĐBQH tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 
 
Tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT -XH, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí cao đối với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, làm ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt đời sống KT -XH, việc Quốc hội ban hành nghị quyết này là rất kịp thời và cần thiết.
 
Toàn cảnh phiên thảo luận trực tuyến
Toàn cảnh phiên thảo luận trực tuyến
Liên quan đến các giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ, tại Điểm a Khoản 1 Điều 3 dự thảo quy định: Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu mức 10% (còn 8%) trong năm 2022.
 
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng, theo quan điểm xây dựng chính sách, thời gian thực hiện chủ yếu trong  năm 2022 - 2023. Do đó, để không có sự tác động lớn đến dự toán thu – chi ngân sách năm 2022 đã được Quốc hội, Chính phủ giao kế hoạch cho các địa phương năm 2022; bảo đảm các nguồn thu ngân sách cho đầu tư, phát triển theo kế hoạch, Chính phủ, Quốc hội cần tính toán, cân đối lại.
 
"Thay vì giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng trong năm 2022, thì xem xét lại mức giảm thuế suất phù hợp hơn (có thể là giảm 1%) và áp dụng trong 2 năm 2022 - 2023 để hạn chế biến động lớn đến nguồn thu ngân sách và phù hợp hơn với lộ trình, diễn biến phục hồi kinh tế”, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị.
 
Các đại biểu tham dự kỳ họp tại điểm cầu Quảng Ngãi
Các đại biểu tham dự kỳ họp tại điểm cầu Quảng Ngãi
 
Về cân đối giữa khả năng huy động vốn; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, theo đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương nhận định, trong bối cảnh tình hình kinh tế hiện nay, thì việc cung ứng một lượng rất lớn vốn cho nền kinh tế, với tổng quy mô hỗ trợ như của Chương trình đề xuất cần phải tính toán, cân nhắc. 
 
Bởi, cần thiết phải có thời gian để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách hiện tại, cũng như về độ trễ khi áp dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách mới để huy động và phát huy các nguồn lực, nhất là khi thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật tại kỳ họp này. Đồng thời, những vướng mắc liên quan đến Luật Đất đai (được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thứ 4 năm 2022) có ảnh hưởng lớn đến vấn đề giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư và tiến độ giải ngân vốn đầu tư.
 
Nguồn lực cho thực hiện Chương trình vẫn còn một số khoản chưa được xác định rõ, nhất là việc thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, các phương án phát hành trái phiếu trong nước và nước ngoài… chưa được giải trình.
 
Cùng với đó, dù kinh tế phục hồi, nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro tiềm ẩn trong thời gian tới, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn chậm, nhất là đã trải qua một thời gian dài gặp khó khăn; tâm lý thận trọng trong tiêu dùng sẽ ảnh hưởng đến sức mua và những tác động lớn của thị trường lao động... Các yếu tố này cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng hấp thụ vốn.
 
Đồng thời, hiện các quốc gia đang phát triển đối mặt với áp lực lạm phát tăng cao, nhất là các nước có độ mở kinh tế lớn, phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào nhập khẩu. Nên cần thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ phù hợp với khả năng huy động nguồn lực và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, vừa tác động cả phía cung và phía cầu, đáp ứng yêu cầu cả trong ngắn và dài hạn.  
 
“Vì vậy, Chính phủ cần phải làm rõ và xây dựng các kịch bản, phương án cân đối giữa khả năng huy động vốn; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát”, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương góp ý. 
 
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương tham gia thảo luận
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương tham gia thảo luận
 
Về phát huy các nguồn lực đã được đầu tư, trong Danh mục dự án dự kiến đầu tư thuộc Chương trình tại Mục II – Quy định các dự án giao thông kết nối tới các cửa ngõ, kết nối liên vùng, khu công nghiệp, cảng biển để hình thành trục hành lang kinh tế, thúc đẩy phát triển liên kết vùng, nội vùng là cần thiết.
 
Đối với khu vực miền Trung và Quảng Ngãi, để phát huy hiệu quả dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị Chính phủ xem xét, cân đối nguồn lực, bổ sung đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 24B để tăng cường năng lực kết nối với tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, cửa ngõ kết nối các huyện đồng bằng, thành phố Quảng Ngãi và Khu kinh tế Dung Quất với đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, các huyện miền núi trong tỉnh và kết nối với tỉnh Kon Tum, đáp ứng nhu cầu giao thông, góp phần phát huy hiệu quả kết nối nội vùng và liên vùng.   
 
Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT -XH.
 
Đây là những chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển KT -XH; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công giai đoạn từ 2021-2025. Tổng giá trị của những chính sách này trong 2 năm tới lên đến gần 350 nghìn tỷ đồng.
 
Mục tiêu nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021 - 2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. Đồng thời, phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.
 
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT – XH và  dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
H.P

.