Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung 8 luật hiện hành

05:01, 06/01/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 6/1, các ĐBQH tỉnh thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy điều hành phiên thảo luận.  
[links()]
 
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 luật này gồm 10 điều, trong đó, 8 điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành.
 
Thảo luận tại tổ, các ĐBQH tỉnh đồng tình và thống nhất cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội; khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển KT - XH trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
 
Đồng thời, các ĐBQH tỉnh cũng có những ý kiến đóng góp chi tiết, cụ thể đối với điều khoản sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
 
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, tại Khoản 2, Điều 68, Luật Đầu tư công 2019 quy định: Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm đến ngày 31 tháng 1 năm sau. Trường hợp bất khả kháng, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách Trung ương, HĐND cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá 31 tháng 12 năm sau. 
 
"Trong thực tế, việc này tồn tại vướng mắc như, đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách cấp huyện, xã do HĐND cấp huyện, xã quyết định. Do vậy, việc HĐND tỉnh quyết định kéo dài đối với danh mục và vốn huyện, xã là chưa phù hợp với thực tế. Cần quy định HĐND các cấp quyết định đối với vốn ngân sách địa phương thuộc cấp mình quản lý cho phù hợp", đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị. 
 
Các ĐBQH khóa XV của tỉnh tham gia thảo luận tổ
Các ĐBQH khóa XV của tỉnh tham gia thảo luận tổ
 
Cũng liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về cơ quan quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm B, nhóm C mức vốn không vượt quá tổng mức đầu tư và giá trị vốn vay ODA, vay ưu đãi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khi đề xuất dự án. Vì trên thực tế, đến giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư, các cơ quan chủ quản vẫn có thể điều chỉnh các nội dung của đề xuất dự án, gồm cả tổng mức đầu tư. 
 
Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư các ĐBQH tỉnh cho rằng việc đề xuất phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất và dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị trong trường hợp dự án có quy mô sử dụng đất từ 500 ha hoặc quy mô dân số từ 100 nghìn dân trở lên cho UBND tỉnh nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm đối với cơ quan có thẩm quyền trong việc thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư.
 
“Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư cần bổ sung doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại các trung tâm đổi mới sáng tạo; doanh nghiệp sinh thái hoạt động tại khu công nghiệp sinh thái là đối tượng được ưu đãi đầu tư”, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị. 
 
Đại biểu Lương Văn Hùng phát biểu thảo luận
Đại biểu Lương Văn Hùng phát biểu thảo luận
 
Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Vũ Thị Liên Hương tán thành với quan điểm trước mắt cần sửa đổi Luật Điện lực với phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến truyền tải điện nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, đặc biệt là Nghị quyết số 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, đang thực sự gây khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn liên quan đến vấn đề độc quyền Nhà nước trong hoạt động truyền tải điện trường.
 
“Về vấn đề quản lý, vận hành lưới điện truyền tải, quy định như dự thảo Luật: "Nhà nước độc quyền trong điều độ hệ thống điện quốc gia; xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về KT -XH, quốc phòng, an ninh; vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng” là chưa chặt chẽ, chưa thể chế hóa để bảo đảm yếu tố “độc lập” trong vận hành lưới điện truyền tải “dưới sự kiểm soát của Nhà nước” theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW. Do đó, đề nghị cần quy định cụ thể và phù hợp hơn”, đại biểu Vũ Thị Liên Hương góp ý. 
 
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương cũng đề nghị cụ thể hóa các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc đấu nối với lưới điện truyền tải; nghiên cứu quy định để xử lý các vấn đề có thể phát sinh giữa doanh nghiệp nhà nước và nhà đầu tư tư nhân, điều hòa lợi ích các bên đối với vấn đề này. Đồng thời, việc cho phép tư nhân tự xây dựng hệ thống truyền tải điện sẽ có những vấn đề về chính sách phát sinh, đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước lường trước tình huống để chuẩn bị phương án phù hợp.
 
Theo đại biểu Vũ Thị Liên Hương, sau 2 lần sửa đổi, Luật Điện lực có 70 điều nhưng có 24 điều đã được sửa đổi, bổ sung, riêng Điều 4 (tính cả lần sửa đổi, bổ sung này) thì cả 4 khoản của Điều 4 đều được sửa đổi, bổ sung. Điều đó cho thấy Luật chưa đáp ứng kịp thời với sự phát triển nguồn năng lượng, khâu dự báo trước còn có nhiều hạn chế.
 
“Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực hiện nay cũng chỉ mới sửa đổi, bổ sung một khoản của một điều và chỉ mang tính trước mắt chưa giải quyết đầy đủ các khó khăn vướng mắc và có thể phát sinh những vấn đề mới. Tôi đề nghị, ngoài nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 như Tờ trình của Chính phủ, cần phải rà soát kỹ lưỡng để sửa đổi, bổ sung một số điều khác có liên quan trong Luật, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị sửa đổi toàn diện, tổng thể Luật Điện lực bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi”, đại biểu Vũ Thị Liên Hương đề nghị. 
 
Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc – nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025; Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ.
H.P

.