Sự tử tế có ở khắp nơi

06:03, 31/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dịch Covid-19 đã làm lộ sáng bao điều. Bao nhiêu thói hư, tật xấu của người Việt được phơi bày trước bàn dân thiện hạ thông qua mạng xã hội, nhưng cũng không ít những việc tử tế làm ta cảm động đến rơi nước mắt.
Việc tử tế ấy không chỉ là chuyện máy bay của Vietnam Airlines “ngạo nghễ” bay vào tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc) để giải cứu đồng bào mình như ai đó đã ngợi ca bằng thơ; đó cũng không chỉ là việc các đại gia đã bỏ hàng trăm tỉ đồng tiền túi để giúp Chính phủ có thêm nguồn kinh phí chống dịch; hoặc các nhân vật nổi tiếng trong giới showbiz vận động các fan của mình hàng tỷ đồng để ủng hộ vào quỹ chống dịch... Tất cả những điều vừa kể đều được nhân dân ghi nhận, nhưng có lẽ những chuyện có vẻ “bé nhỏ” sau đây mới là điều làm nhiều người xúc động nhất.
 
Ai cũng biết dịch Covid-19 nguy hiểm biết chừng nào. Ấy thế mà khi nghe ngành y tế chuẩn bị đối mặt với những khó khăn về nhân lực là lập tức hàng trăm y, bác sĩ đã về hưu giơ tay tình nguyện “lên đường chống dịch”. Vì tính mạng của cộng đồng, những thầy thuốc về hưu sẵn sàng đi vào “tâm bão” của dịch. Đó là một sự xả kỷ lớn lao. 
cô giáo dạy tiếng Việt ở Lào cô tự nguyện góp nửa tháng lương để chung tay cùng các chiến sĩ ở biên giới lo chỗ ăn, chỗ ngủ cho những người từ vùng dịch về. Ảnh Internet
Cô giáo dạy tiếng Việt ở Lào tự nguyện góp nửa tháng lương để chung tay cùng các chiến sĩ ở biên giới lo chỗ ăn, chỗ ngủ cho những người từ vùng dịch về. Ảnh Internet
 
Sự tử tế không chỉ ở việc tình nguyện xả thân vì cộng đồng của những thầy thuốc hưu trí ấy, lòng tốt còn được thể hiện ở sự hy sinh, biết nhường nhau trong lúc khó khăn. Một cô giáo dạy tiếng Việt ở Lào, lương ba cọc ba đồng nhưng sau khi hết thời gian cách ly, cô tự nguyện góp nửa tháng lương của mình để chung tay cùng các chiến sĩ ở biên giới lo chỗ ăn, chỗ ngủ cho những người từ vùng dịch về.
 
Nửa tháng lương của cô giáo chỉ 3 triệu đồng nhưng sự lan tỏa lòng tốt của cô giáo thì thật lớn lao. Rồi một bà mẹ nghèo đi bán quà vặt ở Thủ đô mang đến Ban phòng, chống dịch bệnh một triệu đồng dành dụm để ủng hộ vào quỹ với mong muốn dịch mau chóng qua đi.
 
Trong lúc hàng chục vạn người từ khắp nơi trên thế giới trở về quê hương để né dịch, đây đó đã xuất hiện những lời ca thán về chỗ ăn, chỗ nghỉ không được như ý; một số phụ huynh vì quá lo cho con đã “tiếp tế” những thứ rất xa lạ trong khuôn viên của các khu cách ly… Thế rồi, bất chợt trên mạng xuất hiện hình ảnh của những chàng trai, cô gái du học từ nước ngoài về tránh dịch, họ đứng nghiêm ngắn, mặt tươi cười như chưa hề trải qua những khó khăn trong khu cách ly, kèm dòng chú thích: “Chúng em xin lỗi Tổ quốc!”. Ai cũng hiểu những chữ phía sau câu ngắn gọn mà các bạn trẻ cố tình bỏ dở ấy. 
 
Đất mẹ, Tổ quốc đã vì chúng em, những đứa con từ các vùng dịch bệnh nguy hiểm trở về, đã gây phiền lòng cho bao người nên chúng em xin lỗi! Các bạn ấy không hề có lỗi, nhưng họ đã biết cách làm cho những người vì mình mà cực khổ ngày đêm ấy được nhẹ lòng. Một thế hệ biết chia sẻ, biết sống vì mọi người như thế, nhất định sẽ làm thay đổi đất nước mình. Chúng ta hãy tin vào điều ấy, cũng như tin rằng, sự tử tế vẫn luôn có mặt ở khắp nơi mỗi khi đất nước lâm nguy.
 
TRẦN ĐĂNG
 

.