Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: Việc thực hiện "cách ly xã hội" không phải là phong tỏa và cấm hoàn toàn người dân đi lại. Các cơ sở sản xuất tự quyết định việc hoạt động sản xuất và tự chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định "cách ly xã hội" chưa phải là phong tỏa và cấm hoàn toàn người dân ra đường - Ảnh: CHÍNH PHỦ |
Thông tin cho Tuổi Trẻ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định việc thực hiện "cách ly xã hội không phải là phong tỏa hay lệnh cấm, mà là biện pháp để đảm bảo ứng phó với diễn biến dịch bệnh phức tạp hơn.
Theo đó, sẽ áp dụng toàn bộ với nguyên tắc: nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất. Trường hợp phường/quận cũng được áp dụng tương đương.
Trưa 31-3, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký ban hành Chỉ thị 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định đây là yêu cầu cao hơn để ứng phó với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, yêu cầu "cách ly xã hội" kể từ 0 giờ ngày 1-4 không phải là phong tỏa đất nước.
"Đây chưa phải lệnh cấm như các quốc gia đã làm, mà là dự lệnh, khuyến cáo, hạn chế người dân. Không có chuyện phong tỏa, cũng chưa phải là lệnh cấm hoàn toàn người dân ra đường. Chỉ thị đưa ra biện pháp mạnh để hạn chế tiếp xúc đông người, tránh lây nhiễm, hạn chế đi lại" - Bộ trưởng khẳng định.
Theo chỉ thị của Thủ tướng, yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Giải thích thêm, Bộ trưởng cho biết các cửa hàng thiết yếu, cung ứng mặt hàng thiết yếu cho người dân như chợ, siêu thị, hàng thuốc… vẫn phải mở cửa và đảm bảo hoạt động bình thường, cung ứng liên tục hàng hóa cho nhân dân.
Tuy nhiên, đối với đơn vị sản xuất, doanh nghiệp, nhà máy, Chính phủ vẫn đồng ý cho hoạt động. Song Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh là các nhà máy sản xuất phải có phương án bảo vệ công nhân, người lao động. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố sẽ quyết định danh mục các nhà máy, cửa hàng được phép mở cửa, hoạt động.
Bộ trưởng nhấn mạnh giao trách nhiệm cho người đứng đầu giám sát, xử lý. Trường hợp để cho đơn vị mình có người bị lây nhiễm, do thả lỏng quản lý, để cán bộ đi tụ tập, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng khẳng định hiện nay Chính phủ vẫn đang kiểm soát được tình hình, nên vẫn cần phải đảm bảo các vấn đề sinh hoạt, sản xuất, đảm bảo đời sống kinh tế xã hội. Thực tế có những địa phương chưa có dịch hoặc đã khoanh vùng, kiểm soát tốt.
Theo Báo Tuổi trẻ