Sản phẩm du lịch

02:08, 25/08/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong năm 2019, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón 18 triệu lượt khách, tăng 2,4 triệu lượt khách so với năm 2018. Doanh thu từ ngành du lịch khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Đây là con số đáng mừng. Tuy nhiên, so với Thái Lan, một nước cũng nằm ở Đông Nam Á, điều kiện địa lý tự nhiên và danh lam thắng cảnh không hơn gì nước ta nhưng năm 2018, nước này đón tới 38 triệu lượt khách quốc tế.
TIN LIÊN QUAN

Các nhà quản lý ở trung ương lẫn địa phương, cũng như các hãng lữ hành nước ta hằng năm đều có cuộc gặp mặt để tổng kết năm qua và bàn phương hướng năm đến cho ngành du lịch, nhưng vẫn cứ loay hoay với câu hỏi: Làm sao để hấp dẫn du khách? Làm sao để họ đến một lần là muốn quay trở lại? Một trong những giải pháp luôn được đưa lên bàn các hội nghị nói trên là cần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch. Vậy sản phẩm du lịch là gì?

Sản phẩm du lịch bao gồm nhiều thứ, ở đây xin được nói nôm na là những thứ do con người tạo ra. Tôi có may mắn được đặt chân đến một số nước ở khu vực Châu Á và thấy rằng, sản phẩm du lịch của họ đều rất đa dạng. Có những nơi như TP.Pattaya của Thái Lan, nói về phong cảnh thì thua xa Nha Trang, ấy thế mà du khách đến nườm nượp. Vì sao? Vì họ đã tạo ra các sản phẩm du lịch quá hấp dẫn để níu chân du khách.

Như Nông trại Ong (Big Bee Farm) thu hút khách tham quan đâu chỉ là chuyện giới thiệu mật ong! Họ chuyên nghiệp đến mức, một người làm báo luôn "cảnh giác" với quảng cáo khi đi tour như tôi, mà vẫn bị anh hướng dẫn viên lôi cuốn từ đầu chí cuối và cuối cùng là... móc tiền ra mua sản phẩm.
 
Điều này rất khác với cách bán yến sào hoặc trầm hương ở Nha Trang. Những câu chuyện rời rạc, người giới thiệu lại "nói như học thuộc", chả hấp dẫn gì du khách nên nếu họ có bỏ tiền ra mua, thì cũng là vì sản phẩm đó vừa tốt, không đụng hàng mà giá cả lại phải chăng mà thôi.

Tạo ra một sản phẩm du lịch không quá khó, song để níu chân du khách thì còn phải đảm bảo nhiều yếu tố khác nữa. Lấy ví dụ như nghề dệt thổ cẩm ở Làng Teng, huyện Ba Tơ. Đây là ngôi làng duy nhất của người Hrê chuyên dệt thổ cẩm truyền thống và cung cấp toàn bộ y phục cho phụ nữ Hrê trước đây. Đã có thời, ngành văn hóa đã đầu tư để khôi phục nghề truyền thống này, nhưng rồi "chết yểu" vì sản phẩm bán ra không ai mua, hoặc có mua thì giá bán thấp hơn hoặc ngang với giá thành.

Những sản phẩm du lịch ở dạng này không đơn thuần là một sản phẩm hàng hóa, mà nó phải là sản phẩm của văn hóa. Du khách bỏ tiền ra mua sản phẩm ấy không chỉ là để sử dụng như những món hàng khác, mà nó phải gắn với một kỷ niệm của chuyến đi.
 
Khu làng nghề Tịnh Ấn Tây, thuộc huyện Sơn Tịnh trước đây cũng vậy. Sản phẩm đan lát, mây tre rất bắt mắt, nhưng rồi cũng "chết" là do thiếu tính chuyên nghiệp trong việc phục vụ du khách. Hay như huyện Lý Sơn, một địa chỉ đang rất “hot” mà các sản phẩm du lịch lại quá nghèo nàn nên khách đến một lần là không muốn quay trở lại.

Các nhà làm du lịch đã đến lúc không nên "bàn bạc" gì nữa, mà cần bắt tay ngay vào hành động. Sang các nước láng giềng mà học tập chứ đi đâu cho xa!

TRẦN ĐĂNG
 

.