Cần thêm nhiều sản phẩm du lịch mới

10:08, 08/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Du lịch Lý Sơn hiện đang phát triển "nóng", song nhìn chung vẫn chưa có được chiến lược lâu dài, bền vững, đặc biệt là những sản phẩm du lịch mới.

TIN LIÊN QUAN

Kho tàng văn hóa, lịch sử

Thời gian qua, lượng du khách đến với Lý Sơn tăng dần qua từng năm, bởi đây là một trong những hòn đảo tiền tiêu của đất nước. Nơi ấy, có biết bao ngư dân từ bao đời nay vẫn kiên cường bám biển Hoàng Sa, Trường Sa, mưu sinh và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đến với Lý Sơn để trái tim được thổn thức với tình yêu đất nước tràn đầy trong mỗi người con đất Việt.

Những cụm di tích ở Lý Sơn nhắc nhớ về một thưở cha ông giong buồm ra Hoàng Sa, Trường Sa như: Đình làng An Vĩnh, Âm Linh Tự, nhà Trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, cùng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã lưu truyền hàng trăm năm qua.

Đất đảo bừng sáng.
Đất đảo bừng sáng.


Lý Sơn còn được thiên nhiên ưu đãi, hình thành nhiều thắng cảnh tuyệt đẹp như: Chùa Hang, hang Câu, cổng Tò Vò, miệng núi lửa Giếng Tiền, Thới Lới, rặng san hô... Nhiều di tích lịch sử, văn hóa độc đáo, như: Chùa Đục, dinh Bà Thiên Y-A Na, lăng Chánh, lăng Tân An Vĩnh, dinh Tam Tòa, lăng cá ông Nam Hải và 24 ngôi nhà cổ hiện vẫn còn nguyên vẹn. Đến Lý Sơn, du khách sẽ được đắm mình trong “Vương quốc hành, tỏi”, được công nhận nhãn hiệu Quốc gia năm 2008, được thưởng thức nhiều hải sản quý hiếm, tươi sống từ biển cả...

 Lý Sơn như một kho tàng về văn hóa, lịch sử đồ sộ giữa biển khơi. Diện tích chỉ chừng 10km2, nhưng phân bổ dày đặc các di tích, gồm 50 di tích lịch sử có kiến trúc mỹ thuật đa dạng, dày đặc trong khu dân cư là dấu ấn của nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa và văn hóa Đại Việt, nhất là những di tích liên quan đến Hải đội Hoàng Sa. Trong đó, có 4 di tích cấp quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh và 1 di sản văn hóa phi vật thể là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa... Đây là điểm đến lý tưởng cho du khách muốn khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa, lịch sử của dân tộc.
 

Nhu cầu phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng đảo như: Lặn biển, câu cá, ngắm san hô... của du khách là rất lớn, nhưng đến nay, huyện vẫn chưa thể "hình thành những sản phẩm du lịch này". Trong thời gian đến, cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, địa phương sẽ nghiên cứu hình thành thêm một số sản phẩm du lịch mới, gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử và giữ gìn cảnh quan môi trường, địa chất đặc sắc của Lý Sơn.
  Ông Lê Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn.

Cần đa dạng sản phẩm du lịch

Du lịch Lý Sơn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Theo du khách và những người kinh doanh du lịch thì, hiện nay các tuyến tham quan tại Lý Sơn không nhiều; chậm thiết kế những sản phẩm mới. Thực tế, Lý Sơn còn có thể khai thác được nhiều sản phẩm, những loại hình du lịch mới lạ theo hướng “khám phá và trải nghiệm” gắn với khung cảnh thiên nhiên biển đảo như: Thám hiểm, ngắm cảnh và nghỉ dưỡng...

Đến với Lý Sơn, ngoài nhu cầu tham quan, khám phá, tìm hiểu văn hóa, lịch sử... thì một nhu cầu không thể thiếu của du khách là các hoạt động mua sắm, giải trí. Mỗi khách du lịch khi đến một vùng miền nào, dù ít hay nhiều cũng đều muốn tìm cho mình những món quà lưu niệm. Thế nhưng ở Lý Sơn bây giờ, ngoài hành, tỏi, các cửa hàng bán đồ lưu niệm mang hơi thở của biển, đảo rất hiếm.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia về địa chất khi khảo sát khu vực Bình Châu - Lý Sơn đã ví hệ thống vách đá ở Lý Sơn là bảo tàng địa chất núi lửa, là cuốn từ điển về lịch sử vỏ trái đất.  Đây là cơ hội lớn để Lý Sơn thu hút các chuyên gia, khách du lịch trên thế giới đến nghiên cứu, tham quan... song chưa được quảng bá sâu rộng.

Ông Đoàn Sung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương, cho rằng: Sản phẩm du lịch kết nối Bình Châu - Lý Sơn theo hướng khám phá khu vực thiên nhiên độc đáo này sẽ tạo bước đột phá mới cho du lịch Quảng Ngãi nói chung và Lý Sơn nói riêng. Ngoài ra, du lịch sinh thái, du lịch lặn biển ngắm di sản dưới nước tại Lý Sơn và Bình Châu là phương án có nhiều thuận lợi để áp dụng và phát triển trong thời gian trước mắt. Các di sản biển tại Bình Châu và Lý Sơn đều phân bố rất gần bờ và ở độ sâu từ 2 - 5m nước, nên thuận lợi và an toàn cho du khách khi lặn.

Bài, ảnh: NG.TRIỀU
 


.