(Báo Quảng Ngãi)- Có một thông tin về du lịch Nhật Bản rất đáng chú ý. Đó là thông tin về số lượng du khách và mức chi tiêu của du khách nước ngoài đến những vùng nông thôn Nhật Bản tăng vọt trong năm 2018:
TIN LIÊN QUAN |
---|
“Cơ quan Du lịch Nhật Bản (JTA) công bố Sách trắng Du lịch 2019 cho biết: Trong năm 2018, chi tiêu của du khách nước ngoài ở các vùng nông thôn của nước này đạt hơn 1.000 tỷ yên (9,7 tỷ USD), tăng 58% so với năm 2015. Mức chi tiêu của du khách nước ngoài ở các vùng nông thôn Nhật Bản đang tăng lên qua mỗi năm nhờ ngày càng có nhiều du khách nước ngoài thăm các trang trại, các làng chài, chơi trượt tuyết và chơi các môn thể thao mùa đông khác cũng như thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa”.
Những bức tranh tường độc đáo ở làng bích họa ở Bình Sơn. Ảnh: TL |
Trong khi Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng chỉ chăm lo cấp đất cho các doanh nghiệp xây dựng hàng loạt resort "hoành tráng” mà không hề tính trước du khách thích cái gì, muốn du lịch ở đâu và theo hình thức nào, thì sự thành công của du lịch về nông thôn Nhật Bản có thể là một gợi ý không tồi chút nào.
Nếu xu hướng của lớp trẻ ở Mỹ khi đi du lịch nước ngoài là thích du lịch khám phá, du lịch tìm về thiên nhiên hoang dã và văn hóa bản địa, thì Nhật Bản đã sẵn sàng cả một nông thôn đầy ắp văn hóa bản địa, những thú vui bình dị, những cánh đồng và trang trại nông thôn với bao nhiêu loại rau quả sạch và hấp dẫn để đón du khách.
Nhiều vùng nông thôn ở Quảng Ngãi hoàn toàn có thể trở thành những vùng du lịch hấp dẫn, chẳng hạn như ở Nghĩa Hành, ở Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ, Bình Sơn... với thiên nhiên thay đổi từ vùng biển tới vùng đồng bằng, rồi vùng núi...
Bây giờ, với chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”, chỉ cần tổ chức lại các vùng nông thôn có thể trở thành những điểm du lịch, chọn lọc những sản phẩm có thể phục vụ du khách, chọn lựa những điểm văn hóa bản địa có thể khiến du khách quan tâm tìm hiểu, khôi phục những trò chơi dân gian truyền thống có thể khiến du khách thích thú, là chúng ta đã có hẳn một mặt bằng tự nhiên đón khách du lịch, kể cả khách trong nước và nước ngoài.
Tôi đã có dịp thăm một khu nghỉ dưỡng tại Nam Hội An. Trên một vùng cát trắng, người ta xây dựng cả một khu nghỉ dưỡng đồ sộ với nhiều hạng mục vui chơi. Nhưng có một điểm khác biệt, đó là ngay giữa khu nghỉ dưỡng, người ta xây dựng hẳn một “làng quê Việt” với đầy đủ những biểu tượng văn hóa nghệ thuật của cả ba miền Việt Nam, từ ca nhạc tới ẩm thực, từ những nghề thủ công truyền thống tới ruộng lúa, nương dâu, nghề nuôi tằm, dệt lụa... Khách du lịch đã mê mẩn trước những cảnh tượng làng quê Việt được phục hiện như vậy và với khách nước ngoài thì họ càng thích thú đến ngẩn ngơ trước “làng Việt” truyền thống.
Văn hóa bao giờ cũng sống lâu, tới mức trường tồn giữa bao biến thiên dâu bể. Văn hóa truyền thống là vốn quý không chỉ để bảo tồn mà còn để ứng dụng vào cuộc sống hôm nay với bao khám phá, bao bài học, những gợi ý để con người có thể sống phong phú hơn, tâm hồn rộng mở hơn, sống có trước có sau hơn. Du lịch Nhật Bản thu lợi lớn từ du lịch nông thôn đã nói lên một điều: Văn hóa tiêu dùng không bao giờ thay được hay át được văn hóa truyền thống, văn hóa “phi tiêu dùng”, văn hóa hướng về tâm linh, tâm hồn.
Khi nông thôn cổ xưa, bình dị trở thành những điểm du lịch tuyệt vời, thì Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng đang sở hữu những “mỏ vàng” khổng lồ chưa khai thác và hoàn toàn có thể khai thác tốt.
Những đứa cháu nhỏ bé của tôi, đang ở TP.Hồ Chí Minh hay ở TP.Quảng Ngãi, mỗi khi được về quê đều tỏ ra đặc biệt háo hức khi được xem những con bò, con heo hay bầy vịt... Thậm chí, chúng còn nói là thích hơn cả ở Sài Gòn. Trẻ con còn như vậy, thì nhu cầu về nông thôn, về làng quê của người lớn lại càng sâu sắc hơn, phong phú hơn. “Du lịch về làng” đang trở thành một trào lưu lớn.
THANH THẢO