(Baoquangngai.vn)- Những ngày này, cùng với cả nước, người dân Quảng Ngãi vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp- vị tướng vĩ đại trong lòng nhân dân Việt Nam. Những hồi ức và ấn tượng của những người đã từng được gặp Đại tướng giờ trở thành những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời.
Lời dặn dò đầy ý nghĩa
Buổi sáng mùa thu chớm nắng, chúng tôi tìm gặp những người là cán bộ đã về hưu, từng tập kết và học tập trên đất Bắc suốt những năm chiến tranh. Đối với họ, dù chỉ một hai lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng đó là những kỷ niệm đã in sâu vào trái tim và khối óc, trải qua thách thức của thời gian.
Ông Từ Tấn Vũ kể chuyện được gặp bác Giáp ở ngay trụ sở của Hội Khuyến học tỉnh- nơi ông đang giữ chức Chủ tịch. Ở cái tuổi 80, khi nhắc lại kỷ niệm gặp Đại tướng, ông vẫn kể vanh vách từng chi tiết như chuyện mới xảy ra hôm qua.
Ông kể: Cũng đã 55 năm rồi, ngày đó tôi là một chàng sinh viên miền Nam ra Bắc học Trường ĐH Sư phạm, mừng rỡ khi Đại tướng đến thăm và nói chuyện tại trường nhân dịp sinh nhật Bác Hồ vào năm 1959. Đại tướng ân cần và gần gũi với sinh viên lắm. Tại buổi nói chuyện, Đại tướng nói rất nhiều về Bác Hồ và nói với chúng tôi rằng: Bác đến đây với tư cách là người đồng chí, đồng nghiệp, là một giáo viên dạy sử.
Những hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ông Từ Tấn Vũ lưu giữ. |
“Đại tướng dặn dò chúng tôi rằng, là một thầy giáo thì không bao giờ ngừng học hỏi, nếu ngừng học hỏi thì sẽ bị lạc hậu. Là thầy giáo thì lúc nào cũng phải tự trau dồi phẩm chất và năng lực của bản thân”- Những lời nhắc nhở ấy như khắc sâu vào tâm trí của ông Vũ, là động lực để ông tiếp tục phấn đấu trong sự nghiệp giáo dục của mình.
Một người nữa cũng có vinh dự được gặp Đại tướng vào năm 1959 là nhà giáo Tô Uyên Minh (86 tuổi), lúc bấy giờ cũng là học sinh Quảng Ngãi được ra Bắc học tập. Nhắc lại hồi ức, nhà giáo Tô Uyên Minh tâm sự: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, sinh viên thời đó vô cùng nể phục tài thao lược, cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Được gặp Đại tướng là điều mơ ước của nhiều người.
“Nhưng khi gặp Đại tướng ngoài đời, tôi đã thật sự ngỡ ngàng, Đại tướng vô cùng nho nhã, gần gũi. Đại tướng gặp học sinh miền Nam và hỏi những câu như hỏi thăm người thân lâu ngày không gặp: Các cháu học xa nhà có ăn uống đầy đủ không? Khí hậu ngoài Bắc lạnh như vậy có chịu được không? Các cháu phải học thật tốt để trở thành nòng cốt của miền Nam sau khi thống nhất nước nhà!”- Nhà giáo già đã qua tuổi 80 bồi hồi nhớ lại.
Những câu nói ân cần, những lời dặn dò sâu sắc, cùng phẩm chất, đức độ của Đại tướng đã thành động lực, thành tấm gương sáng cho những học sinh Quảng Ngãi trên đất Bắc ngày ấy phấn đấu, cống hiến cho quê hương Quảng Ngãi. Để rồi giờ đây, khi Đại tướng đã ra đi, kỷ niệm về Đại tướng vẫn cứ mãi đong đầy trong lòng những học sinh năm ấy.
Ngàn lời tiếc thương
Không chỉ một số ít người có cơ hội hiếm hoi gặp được Đại tướng trong những năm khói lửa, nhiều người dân Quảng Ngãi hôm nay vẫn kính cẩn, nghiêng mình trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ngay khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, Hội Khuyến học tỉnh đã lập bàn thờ chung, hương khói cho 3 vị lãnh đạo Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp. |
Mấy hôm nay, gia đình chị Lê Thị Vinh- tiểu thương chợ Thu Lộ, TP. Quảng Ngãi vẫn thường xuyên theo dõi thông tin về tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên ti vi và báo chí. Chị Vinh chia sẻ: "Dù chưa bao giờ gặp cụ ngoài đời, nhưng từ trong sâu thẳm trái tim tôi, cụ như là người nhà. Sự ra đi của cụ là sự mất mát lớn trong lòng tôi".
Nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, niềm thương tiếc trào dâng trong lòng mọi người. Chị Nguyễn Thị Minh- chủ hàng tạp hóa trên đường Hùng Vương bộc bạch: Mới hôm trước, khi con tôi mở cho tôi xem đoạn clip miêu tả về sự gặp mặt giữa Bác Giáp và ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, tôi đã thực sự cảm động. Nước mắt cứ tuôn trào khi nhìn thấy thần thái của Bác trong lúc nghe ca sĩ hát bài “Đố ai đếm được vì sao” ca ngợi Bác Hồ.
“Bác Giáp nói rằng, Bác Hồ là vĩ nhân của dân tộc Việt Nam. Nhưng không biết Bác Giáp có biết được rằng, vị Đại tướng tài ba mang tên Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Bác Hồ cũng luôn ở một vị trí trang trọng trong lòng nhân dân”- chị Minh bày tỏ.
Để thể hiện lòng kính trọng sâu sắc đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều người đã tự lập bàn thờ Đại tướng. Ông Từ Tấn Vũ cũng trang trọng đặt tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thờ chung với Bác Hồ và bác Phạm Văn Đồng tại trụ sở Hội Khuyến học tỉnh. Ngày ngày, ông vẫn hương khói cho 3 vị lãnh đạo tài ba của dân tộc.
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi mãi mãi, về nơi đoàn tụ cùng với cụ Hồ. Đó là quy luật tự nhiên không ai có thể đi ngược lại. Nhưng Đại tướng sẽ không bao giờ chết trong lòng người dân Việt Nam”- Nhà giáo Tô Uyên Minh dành những lời đẹp nhất nói về người Đại tướng của nhân dân vừa mới ra đi.
Bài, ảnh: Thanh Phương