Một nét ẩm thực của Đại tướng

09:10, 10/10/2013
.

*Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Hôm rồi, đọc bài báo của nhà báo Lê Phú Khải tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có nhắc đến một cách ăn giữa bữa thú vị của Đại tướng trên đường đi công tác. Đó là ăn một quả chuối kèm một lát pho-mát.

TIN LIÊN QUAN

Tôi chợt nhớ, ngày còn sống, thầy tôi( tôi gọi ông cụ thân sinh là thầy) thường kể cho tôi nghe về lần ông được đi công tác dài ngày với Đại tướng lên Tây Bắc.

Đó là vào năm 1957, lần đầu tiên sau chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có dịp lên thăm lại chiến trường xưa. Khi đó Đại tướng đi với thầy tôi, lúc bấy giờ phụ trách Cục phát triển sản xuất nông nghiệp Thủ tướng phủ và nhà báo Thép Mới-báo Nhân Dân.

Mục đích chuyến công tác này là Đại tướng đến với các đơn vị bộ đội vừa rời tay súng chuyển sang làm kinh tế ở các nông trường từ Mộc Châu, Sơn La tới Điện Biên.

Trong số bộ đội xuất ngũ ấy có nhiều chiến sĩ quê miền Nam tập kết đang còn ngổn ngang nhiều nỗi tâm tư, đang rất cần sự giải thích, động viên của cán bộ lãnh đạo ở cấp cao nhất.

       Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đơn vị nữ thông tin và quân y  (tháng 5/1973). Ảnh: TTXVN
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đơn vị nữ thông tin và quân y (tháng 5/1973). Ảnh: TTXVN


Và Đại tướng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã tới với họ, thăm viếng, chia sẻ và động viên họ trên “thao trường mới” là thảo nguyên và đồng ruộng. Các chiến sĩ miền Nam tập kết khi đó, theo lời kể lại của thầy tôi, đều rất thắc mắc với Trung ương là vì sao miền Nam còn chưa được thống nhất, đồng bào miền Nam và những người kháng chiến cũ còn đau khổ dưới sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm, mà các chiến sĩ miền Nam tập kết lại phải rời tay súng, dù công việc đồng áng hay chăn bò đối với họ là việc vốn quen làm từ trước khi đi bộ đội. Nhưng miền Nam đang kêu gọi họ, lẽ nào họ ngồi yên, trong tay không còn vũ khí?

Gặp gỡ các chiến sĩ miền Nam tập kết đang xây dựng các nông trường, Đại tướng đã ân cần và rất thông cảm giải thích cho họ thấu hiểu về nhiệm vụ trong thời kỳ mới của Cách mạng. Và Đại tướng đảm bảo với họ rằng, sớm hay muộn họ cũng sẽ quay trở lại quân ngũ, và miền Nam không chỉ trong trái tim họ, mà còn là đích đến trong hành trình của họ nữa.

Cầm súng hay cầm cuốc, cầm cày cũng vì miền Nam, vì ngày Thống nhất đất nước cả! Nghe vị Tổng tư lệnh hứa chắc như đinh đóng cột, các chiến sĩ miền Nam tập kết như được giải tỏa những thắc mắc và ẩn ức.

Đại tướng cũng yêu cầu các chiến sĩ luôn luôn sẵn sàng, có lệnh là sẽ quay lại với quân đội ngay. Vì thế, vẫn duy trì kỷ luật quân đội ngay khi lao động ở các nông trường.

Quả thật, chỉ hơn hai năm sau, vào tháng 5/1959, Đại tướng đã phát lệnh thành lập bộ chỉ huy đường 559-tiền thân của Bộ tư lệnh Trường Sơn-mở đầu cho một giai đoạn mới của Cách mạng miền Nam và cuộc “Nam tiến” vĩ đại lần thứ hai của cả dân tộc nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các chiến sĩ miền Nam tập kết ở các nông trường lần lượt được trở lại quân ngũ và họ là lực lượng quân sự đầu tiên vượt Trường Sơn trở về quê hương miền Nam làm nòng cốt cho những đơn vị vũ trang đầu tiên của quân Giải phóng miền Nam.

Đó là chuyện công việc trong chuyến đi của Đại tướng. Nhưng thầy tôi lại muốn kể cho tôi nghe, Đại tướng đã thường… ăn những gì trong suốt chuyến đi dài ngày ở vùng rừng núi Tây Bắc ấy.

Thầy tôi bảo, không những làm việc với Đại tướng rất dễ chịu, mà ăn những bữa cơm dọc đường cùng Đại tướng cũng rất dễ chịu nữa. Trên xe của Đại tướng lúc nào cũng có sẵn mo cơm nếp, muối vừng (mè) và vài nải chuối tiêu trứng quốc.

Cứ mỗi bữa ăn, Đại tướng lại mời mọi người trong đoàn công tác ăn mỗi người vài ba quả chuối, kèm với xôi. Đại tướng nói, ăn chuối nhuận tràng, tốt cho sức khỏe, lại vừa ngon vừa rẻ.

Suốt chuyến đi, mọi người cùng ăn chuối với Đại tướng và thầy tôi nghiệm ra, ăn chuối nhiều quả là tốt cho không chỉ cho sức khỏe của mình, mà còn tốt cho “sức khỏe” của túi tiền đồng chí quản lý đoàn nữa! Chả là suốt Tây Bắc, chỗ nào bà con dân tộc cũng trồng chuối, và có chuối để bán ở những quán tranh tre nho nhỏ dọc đường. Đồng chí quản lý cứ thấy “cơ số chuối” trên xe sắp cạn là lại kêu dừng xe để mua chuối bổ sung.

Cứ thế, cả đoàn không lúc nào lo thiếu… chuối để ăn trong cả chuyến công tác. Thậm chí, khi rời Tây Bắc về Hà Nội, mỗi người còn mua mỗi buồng chuối nhỏ để mang về… Thủ đô làm quà cho gia đình. Hồi đó đi xe “com-măng-ca”, thùng xe rộng, tha hồ mà chở… chuối.


Thầy tôi kể, sau chuyến đi ấy, tự nhiên thầy tôi có thói quen thích ăn… chuối. Về Hà Nội, cứ ở chỗ nào có tí đất là thầy tôi lại tranh thủ trồng vài gốc chuối, đi công tác về địa phương thì rất chăm chỉ mua chuối về để ăn dần.

Sau ngày giải phóng, về quê ở Mộ Đức-Quảng Ngãi, thầy tôi được thỏa nguyện… trồng chuối, vì vườn nhà tôi khá rộng. Thầy tôi đã trồng nguyên một vườn chuối. Mỗi khi vợ chồng tôi về quê thăm thầy, tôi đều chuẩn bị cho chúng tôi mấy nải chuối ngon để mang về Quy Nhơn.

Riêng thầy tôi, ông khoe với tôi là nhiều bữa ông ăn chuối… trừ cơm. Mà thấy rất dễ chịu. Ông nói, nhờ chuyến đi công tác với Đại tướng ngày xưa mà mình học được ở Đại tướng một thói quen rất tốt về ăn uống. Đó là ăn những gì rẻ tiền, dễ tiêu, vệ sinh mà lại hợp với cơ thể mình. Trong các thức ăn phù hợp tiêu chuẩn ấy, không có gì bằng chuối./.     
 


.