* Thanh Thảo
(QNĐT)- Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội xem lãng phí là quốc nạn, giống như quốc nạn tham nhũng. Thực ra, lãng phí bao giờ cũng đi kèm với tham nhũng. Nếu tham nhũng là “giá trị cộng thêm” của lãng phí, thì ngược lại, chính lãng phí mở đường cho tham nhũng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Khi thực hiện những dự án-công trình tiền tỉ, làm xong không hoạt động được, “đắp chiếu” nằm, thì đó là lãng phí. Nhưng động cơ của dự án lãng phí này, nếu truy tìm tận gốc, thì nó sẽ lòi ra… tham nhũng. Vì những người chủ trương dự án và xin kinh phí nhà nước để thực hiện dự án, không phải họ không biết là dự án không khả thi, công trình được xây dựng trong điều kiện như vậy sẽ không hoạt động được, hoặc hoạt động không hiệu quả. Biết, nhưng vẫn làm. Và sẵn sàng chịu tiếng “lãng phí”.
Tiếng này, cả tập thể chịu, nhưng “tiền phần trăm” lại chỉ lọt vào túi một số ít người. Lãng phí luôn thể hiện như “cặp đôi hoàn hảo” với tham nhũng, là vậy!
Ở nhiều địa phương, không ít những công trình, nhất là công trình công ích phục vụ đồng bào miền núi, cứ làm xong là “có chuyện”. Khi thì không hoạt động được, khi hoạt động được thì không có hiệu quả. Và nhất là, làm xong chưa được bao lâu, chưa quá thời hạn bảo hành thì… hỏng.
Đó là sự tinh vi của lãng phí, nó khiến người dân xót tiền của nhà nước, tiền của do mình đóng thuế, nhưng không biết qui trách nhiệm cho ai, và không thể coi những công trình như thế là biểu hiện của tham nhũng, vì không có chứng cớ.
Kỳ thực, chứng cớ nằm ngay trong việc phê duyệt dự án, cấp vốn cho dự án, thực hiện dự án khi biết tính khả dụng của dự án là rất thấp. Biết mà vẫn cứ làm. Nếu sau này bị phát hiện, thì đổ lỗi cho… cơ chế, cho sự nóng vội. Do không phát hiện được “tiêu cực” từ những dự án-công trình ấy, nên không thể xử lý theo bất cứ bộ luật nào đang hiện hành.
Nhiều đại biểu Quốc hội ở kỳ họp vừa qua đã đề nghị đưa lãng phí vào đối tượng của luật Hình sự, nghĩa là ngang với tham nhũng. Một số đại biểu còn nhấn mạnh: Lãng phí còn nguy hại hơn cả tham nhũng, vì nó gắn liền với tình trạng tăng nợ công khi nó làm thất thoát đầu tư công, chi tiêu công. Những, cũng như tham nhũng, lãng phí là một loại “bạch tuộc biến hình” và không dễ để nhận ra, càng không dễ để “bắt được tay day được cánh”.
Có lẽ, những cơ quan chức năng chuyên phát hiện và bắt tội lãng phí, nếu tội danh này được chính thức đưa vào Bộ luật Hình sự, nên học cách những người nông dân ở Cần Giờ (TP. HCM) trong kỹ năng bắt… bạch tuộc. Khó, nhưng vẫn có cách bắt được. Chỉ có điều, đừng “hủy lãng phí” như cách “giải cứu bạch tuộc” mà cảnh sát giao thông Hải Dương vừa làm với 2 tấn bạch tuộc của bà con Cần Giờ. Vì làm thế, thì lại thêm một lần… lãng phí. Phí chồng lên phí. /.