(Báo Quảng Ngãi)- Một trong những chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo UBND tỉnh về chuyển đổi số là phải hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Do đó, để người dân thay đổi nhận thức, thụ hưởng các giá trị từ chuyển đổi số, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nỗ lực đưa chuyển đổi số đến gần hơn với người dân.
[links()]
Hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp
Năm 2019, UBND phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) đưa vào hoạt động trang Zalo OA UBND phường Nguyễn Nghiêm TP.Quảng Ngãi. Người dân chỉ cần truy cập vào địa chỉ Zalo này, sẽ hiện ra các thủ tục hành chính như đăng ký khai sinh, kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân... Mỗi thủ tục đều có các bước hướng dẫn cụ thể, giấy tờ cần chuẩn bị, hướng dẫn nộp hồ sơ trực tiếp, thông báo về thời hạn giải quyết hồ sơ. Người dân còn có thể đăng ký thủ tục trực tuyến vì giao diện của trang Zalo đơn giản, dễ thực hiện. Bên cạnh đó, trang Zalo phường còn liên kết đến Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh. Ngoài ra, người dân có thể liên hệ, phản ánh các kiến nghị thông qua các số điện thoại của cán bộ, công chức phường công khai trên trang Zalo.
Công chức phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) hướng dẫn người dân truy cập trang Zalo OA UBND phường Nguyễn Nghiêm, TP.Quảng Ngãi để thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính. |
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Nghiêm Nguyễn Thị Ngọc Dung chia sẻ, đối với trang Zalo OA của phường, người dân có thể dễ dàng tiếp cận, được hướng dẫn đầy đủ các giấy tờ cần thiết thực hiện thủ tục hành chính, giúp người dân chủ động nắm bắt, tiết kiệm thời gian. Các nhóm Zalo hoạt động rất hữu ích, nhất là trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19, thiên tai... Xác định xây dựng chính quyền điện tử là nhiệm vụ quan trọng, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động phục vụ người dân, cuối năm 2021, Đảng ủy phường Nguyễn Nghiêm đã ban hành Nghị quyết về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử phường đạt mức độ IV vào năm 2025.
Nâng tầm tổ công nghệ số cộng đồng
“Chỉ khi nào toàn bộ người dân sử dụng các nền tảng số, các ứng dụng số để tương tác với chính quyền, thực hiện các giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ việc học tập, lao động và sinh hoạt hằng ngày... thì khi đó chuyển đổi số mới được xem là thành công”.
Giám đốc Sở TT&TT
TRẦN THANH TRƯỜNG |
Bên cạnh nỗ lực thực hiện chuyển đổi số từ phía chính quyền, doanh nghiệp, vai trò của các tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) rất quan trọng, góp phần đưa chuyển đổi số đến gần hơn với người dân. Các tổ CNSCĐ được xem như “cánh tay nối dài” từ ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp đến người dân, nhằm xây dựng, hình thành và duy trì văn hóa chuyển đổi số. Các thành viên tổ CNSCĐ có trách nhiệm đồng hành, hỗ trợ người dân kỹ năng khai thác, sử dụng các nền tảng số.
Với tinh thần xung kích, sáng tạo, đoàn viên, thanh niên được kỳ vọng là đội ngũ hỗ trợ người dân tiếp cận với chuyển đổi số. Bí thư Đoàn phường Nguyễn Nghiêm Lê Thanh Phong chia sẻ, bí thư đoàn phường và bí thư chi đoàn các tổ đều tham gia các tổ CNSCĐ cấp phường, tổ. Trong các đợt sinh hoạt hè tại địa phương, đoàn phường đều lồng ghép nội dung chuyển đổi số. Vừa qua, các đoàn viên đã hỗ trợ người dân trên địa bàn phường cài đặt phần mềm 114, đăng ký dịch vụ công trực tuyến. Trong thời gian đến, đoàn phường cùng với chi đoàn công an, chi đoàn các tổ dân phố đến các hộ dân hướng dẫn cài đặt và sử dụng thêm các ứng dụng khác.
Theo thống kê, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 1.141 tổ CNSCĐ được thành lập, với hơn 7.534 thành viên, đạt 100%; trong đó có 13/13 tổ cấp huyện với 169 thành viên; 173/173 tổ cấp xã với 1.690 thành viên; 954/954 tổ cấp thôn, tổ dân phố với 5.653 thành viên.
Giao diện trang Zalo OA UBND phường Nguyễn Nghiêm, TP.Quảng Ngãi. |
Chủ tịch UBND xã Bình Tân Phú (Bình Sơn) Nguyễn Minh Hoàng cho biết, trên địa bàn xã đã thành lập 1 tổ CNSCĐ cấp xã và 7 tổ cấp thôn. Thành viên của các tổ CNSCĐ thôn gồm trưởng thôn, bí thư chi đoàn, các chi tổ hội, mặt trận, đoàn thể thôn. Tổ CNSCĐ cấp xã gồm phó chủ tịch UBND xã, cán bộ, công chức, thành viên các hội, đoàn thể. Mặc dù đã chuẩn bị nhân lực để cùng tham gia vào lộ trình chuyển đổi số, song bước đầu các tổ CNSCĐ ở địa phương gặp một số khó khăn. Tại UBND xã, đường truyền, hạ tầng máy tính chưa đảm bảo để cài đặt các phần mềm mới nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, nhất là giải quyết các TTHC; trình độ công nghệ thông tin của một số cán bộ cơ sở vẫn còn hạn chế...
Theo Giám đốc Sở TT&TT Trần Thanh Trường, các tổ CNSCĐ mới thành lập nên việc triển khai phương thức, cơ chế hoạt động vẫn còn nhiều khó khăn. Để giúp các tổ CNSCĐ hoạt động hiệu quả, thời gian đến, Sở TT&TT tiếp tục hướng dẫn phương thức hoạt động và các kỹ năng cần thiết cho thành viên tổ CNSCĐ các cấp. Phối hợp với các đơn vị, địa phương tham mưu cơ chế, chính sách duy trì hoạt động của các tổ CNSCĐ. Các địa phương cần tăng cường phối hợp với Sở TT&TT tổ chức hướng dẫn kỹ năng số cho các tổ CNSCĐ, thường xuyên theo dõi hoạt động của các tổ CNSCĐ các cấp, nhất là đối với cấp thôn, tổ dân phố. Đối với tổ CNSCĐ cấp Tỉnh đoàn, cần phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ đến từng địa phương, hướng dẫn từng tổ CNSCĐ kỹ năng khai thác, sử dụng nền tảng số, để từ đó thành viên trong tổ “đi từng ngõ, gõ từng nhà và hướng dẫn từng người dân”.
Bài, ảnh:
BẢO HÒA