Chuyển đổi số ngành VH-TT&DL là tất yếu để hội nhập

06:10, 28/10/2022
.
Hàng ngàn lượt khách tham quan ngồi tại nhà trong mùa giãn cách nhưng vẫn có thể xem được nhiều triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thậm chí là đi tham quan Kinh thành Huế, thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sỹ nổi tiếng… chỉ bằng một cú nhấp chuột.
 
 
Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, Bộ TT&TT cùng đại diện các bộ, ngành thực hiện nghi thức khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ VH-TT&DL. Ảnh: VGP/Diệp Anh
Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, Bộ TT&TT cùng đại diện các bộ, ngành thực hiện nghi thức khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ VH-TT&DL. Ảnh: VGP/Diệp Anh
Đó là một trong những điều lý thú và đặc biệt mà chuyển đổi số đã mang lại trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT&DL) và được chia sẻ tại Hội nghị - Hội thảo Chuyển đổi số của ngành VH-TT&DL được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến sáng nay (26/10), tại Hà Nội.
 
Hội nghị - Hội thảo có sự tham dự của hơn 120 đại biểu là đại diện các cơ quan thuộc Bộ VH-TT&DL, Bộ TT&TT, các bộ, ban ngành, các Sở VH-TT&DL, Sở VH-TT, Sở Du lịch thuộc 63 tỉnh, thành phố. Gần 40 tham luận công phu, tâm huyết, khoa học về chuyển đổi số thuộc tất cả các lĩnh vực của Bộ VH-TT&DL từ văn hóa di sản, bảo tàng, điện ảnh, bản quyền đến thể thao, du lịch và vấn đề an toàn, an ninh thông tin trong chuyển đổi số đã được gửi đến Ban Tổ chức. Qua đó cho thấy, sự quyết tâm của ngành VH-TT&DL trong việc thực hiện chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực của ngành.
 
Nhằm phục vụ phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ VH-TT&DL đã có nhiều chỉ đạo liên quan tới chuyển đổi số của ngành đồng thời ký ban hành Chương trình Chuyển đổi số của Bộ VH-TT&DL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Bộ VHTTDL và hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đổi mới hoạt động, sản xuất, dịch vụ của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình; xây dựng phát triển văn hóa số, góp phần hình thành thế hệ công dân số cho tương lai hướng tới kinh tế số và xã hội số.
 
Phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương cho biết, nhận thức và hành động về chuyển đổi số của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách được quan tâm chỉ đạo đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ số. Hạ tầng số được tăng cường đầu tư tập trung triển khai các nền tảng số cho ngành VH-TT&DL. Dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp được triển khai ngày càng hiệu quả tăng mức độ hài lòng đối với các dịch vụ công ích. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh được coi trọng. Nguồn lực dành cho chuyển đổi số được quan tâm, tăng cường, đặc biệt là kinh phí cho chuyển đổi số phục vụ công tác chuyên môn đã tăng lên hằng năm. Tuy nhiên, nhìn tổng thể so sánh với các mục tiêu, yêu cầu đề ra, kết quả đạt được chưa đồng đều trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, nhiều chỉ tiêu đạt được còn thấp so với mục tiêu đề ra đến năm 2025. 
 
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số của Bộ VH-TT&DL đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị Hội thảo tập trung lắng nghe; trao đổi kinh nghiệm, những bài học thực tiễn, những bước đi khoa học mới nhất về chuyển đổi số hiện nay. Bên cạnh đó, tích cực trao đổi  tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu, bước đi chắc chắn để hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời gian tới và đạt được những chuyển biến rõ rệt trong ngành VH-TT&DL. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương tin tưởng sau Hội nghị - Hội thảo này, sự nhìn nhận về tầm quan trọng của chuyển đổi số sẽ có vai trò dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số của ngành VH-TT&DL để đạt được mục tiêu đề ra.
 
Có thể nói, những thành công bước đầu của việc triển khai chuyển đổi số đã có tác động rất rõ ràng, thiết thực trong thực tiễn hoạt động của ngành VH-TT&DL, đặc biệt là trong thời gian thử thách của đại dịch COVID-19. Hàng ngàn lượt khách tham quan ngồi tại nhà trong mùa giãn cách nhưng vẫn có thể xem được nhiều triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thậm chí là "đi" du lịch tham quan Kinh thành Huế chỉ bằng các cú nhấp chuột. Hay khi thực hiện giãn cách xã hội, người dân vẫn có thể thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sỹ nổi tiếng của ngành văn hóa biểu diễn trực tuyến hoặc được hướng dẫn các bài tập thể dục trực tuyến tại nhà đơn giản, hiệu quả, dễ hiểu của ngành thể thao…
 
Các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã và đang từng bước chuyển đổi sang môi trường số. Các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến kết nối hệ thống Một cửa điện tử của Bộ; hệ thống thư điện tử; chữ ký số… đang được triển khai mạnh mẽ tại Bộ; bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin.
 
Bộ VH-TT&DL có 3 dự án cốt lõi trong công tác chuyển đổi số. Đó là hệ thống xây dựng một nền tảng số theo trục dọc và xây dựng hạ tầng lưu giữ hệ thống máy chủ - được coi là "trái tim" về dữ liệu của Bộ VH-TT&DL. Ngoài ra còn có các dự án tạo đà phát triển, đó là dự án về số hóa các di sản văn hóa và dự án chuyển đổi số ngành du lịch. 
 
Việt Nam có một kho tàng di sản rất đồ sộ với 3.500 di tích quốc gia, hơn 4.000 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và với 8.000 lễ hội truyền thống… sẽ dần được số hóa và trở thành tài sản để phát huy, bảo tồn, duy trì.
 
Tại Hội  nghị - Hội thảo chuyển đổi số của ngành VH-TT&DL, Ban Tổ chức đã khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ VH-TT&DL. Đây là hệ thống thông tin thu thập, tổng hợp, phân tích số liệu báo cáo và cung cấp số liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
 
Theo Diệp Anh/Chinhphu.vn

.