(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy và các chính sách của trung ương về dân tộc và miền núi, kinh tế - xã hội ở các huyện miền núi của Quảng Ngãi đã có bước phát triển quan trọng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân miền núi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) từng bước được cải thiện. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc.
LTS: Triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I (từ năm 2021 đến năm 2025) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và Nghị quyết số 02 ngày 17/8/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi, từ số báo này, Báo Quảng Ngãi phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh mở chuyên mục “Nhịp sống vùng cao”. Chuyên mục đăng định kỳ 2 kỳ/tháng, nhằm tuyên truyền những chính sách cho đồng bào DTTS và vùng miền núi; những gương điển hình trên các lĩnh vực; những mô hình, cách làm hay của cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể trong phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi Quảng Ngãi...
Tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I (từ năm 2021 đến năm 2025). Đây là cơ sở quan trọng để khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; cải thiện đời sống của nhân dân.
Tập trung triển khai
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trần Văn Mẫn cho biết, thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình) đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và chính quyền các địa phương.
Ban Dân tộc tỉnh cùng với các sở, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có công văn giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban ngành tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình, giai đoạn 2021 - 2025.
|
Thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) nhìn từ trên cao. ẢNH: BÙI THANH TRUNG. |
Trong năm 2022, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước đã phân bổ thực hiện chương trình trên 356 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư gần 242 tỷ đồng (ngân sách trung ương trên 218 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đối ứng gần 24 tỷ đồng) và vốn sự nghiệp hơn 114 tỷ đồng (ngân sách trung ương). Ngoài ra, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh phân bổ vốn đối ứng thực hiện chương trình năm 2022 gần 14 tỷ đồng và đã được HĐND tỉnh thông qua.
Hiện nay, các huyện và sở, ban ngành liên quan đang tập trung triển khai các phần việc được giao để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình và giải ngân các nguồn vốn được phân bổ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tiến độ giải ngân vốn chương trình năm 2022 vẫn còn chậm. Tính đến ngày 30/9/2022, các huyện chỉ mới giải ngân trên 1,5 tỷ đồng.
Riêng các sở, ban ngành được giao chủ trì và giao vốn thực hiện các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần của Chương trình đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai thực hiện, nên chưa có đơn vị nào giải ngân.
Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu
"Các sở, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình và giải ngân theo đúng kế hoạch đề ra; trong đó cần lựa chọn những nội dung, dự án có tính khả thi nhất để thực hiện hoàn thành trong năm 2022”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh VÕ PHIÊN |
Nghị quyết số 02 ngày 17/8/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phát triển KT - XH, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi nhấn mạnh: “Phát triển KT - XH, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.
Nghị quyết đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có thêm 1 huyện miền núi thoát nghèo; giảm 50% số xã, thôn đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Còn theo Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn... Chương trình đề ra 10 dự án thành phần, với tổng nguồn vốn phân bổ rất lớn. Đây chính là cơ hội cho các địa phương miền núi phát triển toàn diện, bền vững.
Theo ông Mẫn, nội dung Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi là đầu tư tổng thể, các dự án, tiểu dự án đa dạng về nội dung, hình thức, nhưng quy mô nhỏ và có nhiều cơ quan tham gia chủ trì, quản lý; một số nội dung lần đầu thực hiện.
Điều đó dẫn tới sự lúng túng, chậm trễ trong việc tổng hợp, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, nguồn vốn sự nghiệp của chương trình mới được trung ương giao năm 2022, chưa giao cho cả giai đoạn nên gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện chương trình cả giai đoạn.
Tuy vậy, với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các sở, ban ngành và địa phương liên quan, tin rằng Quảng Ngãi sẽ triển khai thực hiện chương trình đạt kết quả cao nhất, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.
PHẠM DANH