Niềm vui của người dân vùng cao

12:09, 11/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều địa phương ở miền núi thường xuyên bị chia cắt trong mùa mưa lũ đã được đầu tư xây dựng cầu, đường giao thông đi lại thuận lợi. Người dân không còn nỗi lo nước sông, suối dâng cao, gây cô lập như những năm trước. 
 
[links()]
 
Làng Tốt đã có cầu
 
Dự án cầu và đường Nước Lếch, ở thôn Làng Tốt, xã Ba Lế (Ba Tơ), do UBND huyện Ba Tơ làm chủ đầu tư với tổng vốn 40 tỷ đồng. Cuối tháng 8/2022, cầu Nước Lếch xây dựng hoàn thành, thông cầu kỹ thuật và hiện đã đưa vào sử dụng tạm để đi lại. Người dân địa phương, nhất là giáo viên "cắm bản" tại thôn Làng Tốt rất phấn khởi khi có cầu bắc qua suối Nước Lếch, từ nay học sinh không phải nghỉ học vì thầy, cô giáo không thể đến trường do nước suối dâng cao. 
 
Cầu Nước Lếch, ở thôn Làng Tốt, xã Ba Lế (Ba Tơ) đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng.
Cầu Nước Lếch, ở thôn Làng Tốt, xã Ba Lế (Ba Tơ) đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng.
Cô giáo Nguyễn Thị Trang, giáo viên Trường Tiểu học Ba Lế, được phân công dạy học ở điểm trường thôn Làng Tốt cho biết, đây là năm đầu tiên sau 13 năm về đây dạy học, tôi vượt qua suối Nước Lếch mà không phải lội nước bì bõm vì đã có cầu mới xây.  Giáo viên đi dạy ở Làng Tốt sẽ không còn cảnh mùa mưa phải ở lại trường cả tháng, vì không dám vượt suối sâu để về nhà.
 
Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh cho biết, người dân ở thôn Làng Tốt kiến nghị xây dựng cầu và đường Nước Lếch từ lâu, nhưng do thiếu kinh phí nên năm 2021 mới triển khai thực hiện. Đây là công trình có nhiều ý nghĩa, từ nay Làng Tốt không còn bị cô lập trong mùa mưa lũ, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 
 
Người dân vơi nỗi lo 
 
Sau trận lũ lịch sử năm 2020, cầu Nước Bua, xã Sơn Bua (Sơn Tây) trên tuyến đường Đông Trường Sơn bị sụp 2 nhịp, đã phải cắm biển cảnh báo để cấm xe tải qua lại. Do đó, việc đi lại, phát triển kinh tế của người dân trong vùng gặp nhiều khó khăn. Cuối năm 2021, dự án cầu Nước Bua được Bộ Quốc phòng phê duyệt triển khai xây dựng, do Ban 476 thuộc Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí 35 tỷ đồng. Đại diện chủ đầu tư cho biết, hiện công trình đã cơ bản đúc xong 5 nhịp, chuẩn bị tiến hành gác dầm, đổ bản mặt cầu, để nhân dân tạm sử dụng đi lại trong mùa mưa năm nay. 
 
Đơn vị thi công đang bám trụ ngày đêm trên công trường để tập trung thi công, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành toàn bộ công trình, nghiệm thu, sớm đưa vào sử dụng, kết nối thông thương tuyến đường Đông Trường Sơn giữa Quảng Ngãi - Quảng Nam. Dự án đường Đông Trường Sơn đi qua địa phận Quảng Ngãi có tổng chiều dài hơn 37km, chia làm 9 gói thầu và hiện đã hoàn thành 8 gói, cầu Nước Bua là gói thầu cuối cùng sẽ hoàn thành vào đầu năm 2023.
 
Tại xã Sơn Bua, mùa mưa năm nay, các hộ dân ở xóm Nước Mù, thôn Mang He, sẽ không còn phải chịu cảnh cô lập mỗi khi mưa lớn.  "Làng mình nay đã có đường lớn. Ô tô, xe máy đều đi được, không phải đi cầu treo nữa", ông Đinh Văn Ui, người dân ở xóm Nước Mù phấn khởi nói. 
 
Con đường mà ông Ui kể là đường do chủ đầu tư dự án Thủy điện ĐăkBa xây dựng. "Công trình thủy điện nằm tiếp giáp với khu vực sinh sống của người dân, nên chính quyền địa phương và chủ đầu tư đã thỏa thuận mở con đường nối đường về làng với đường công vụ của thủy điện để nhân dân đi lại. Con đường mới này rút ngắn khoảng cách từ làng ra trung tâm xã Sơn Bua gần hơn một nửa, việc đi lại an toàn, thuận lợi nên nhân dân rất vui mừng", Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bua Đinh Minh Tôn cho biết.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 

.