Nỗ lực ngăn chặn hủ tục nghi kỵ cầm đồ độc

10:01, 31/01/2023
.
(Baoquangngai.vn)- Thời gian qua, công an các huyện miền núi ở Quảng Ngãi luôn tạo thế chủ động giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, tích cực tuyên  truyền để thay đổi nhận thức của nhân dân địa phương, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, trong đó có nghi kỵ cầm đồ độc.
[links()]
Hệ lụy nghiêm trọng từ hủ tục lạc hậu
 
Theo cách nghĩ của người dân vùng cao Quảng Ngãi, “đồ độc” là tạp chất gồm đất được lấy từ mộ của người chết, xương động vật, chén mẻ, lông trâu… trộn lẫn vào nhau. Khi muốn hại người khác thì dùng “đồ độc” đụng vào người hoặc cho ăn, uống và nguyền rủa thì nạn nhân sẽ chết.
 
Dù chưa ai từng nhìn thấy “đồ độc”, nhưng đó là điều rất đáng sợ và bám sâu vào tâm thức của người dân miền núi. Phần lớn các nghi kỵ xảy ra khi có người chết, trâu bò chết hoặc đau ốm, dịch bệnh.
Vụ án mạng do nghi kỵ cầm đồ thuốc độc.
Vụ án mạng do nghi kỵ cầm đồ thuốc độc.
Năm 2019, Phạm Văn Soi, Phạm Văn Nghề và Phạm Văn Cua ở thôn Làng Tốt, xã Ba Lế (Ba Tơ) đã phạm tội giết người là ông Phạm Văn Lối ở cùng thôn. Vì nghi ngờ ông Lối cầm đồ độc hại chết cha mình nên Phạm Văn Soi đã rủ Cua và Nghề đánh chết nạn nhân. Hậu quả, Phạm Văn Soi bị kết án 20 năm tù, Phạm Văn Nghề 14 năm tù và Phạm Văn Cua 12 năm tù.
 
Thời điểm sau khi bị bắt, Soi thừa nhận do trước đây, cha mình và ông Lối có mâu thuẫn. Sau khi cha Soi chết, mặc dù bác sĩ kết luận cha Soi bị ung thư nhưng Soi cho rằng, cha mình bị ung thư là do ông Lối cầm đồ độc gây ra.
 
Đây không phải là vụ án mạng đầu tiên quan đến nghi kỵ cầm đồ độc xảy ra trên địa bàn tỉnh. Xuất phát từ những mâu thuẫn cá nhân, bất đồng trong cuộc sống, lợi dụng nhận thức của người dân còn thấp, quá tin vào các tập tục mê tín dị đoan… là nguyên nhân hàng chục người ở các huyện miền núi bị tung tin cầm đồ độc. Từ đó, các nạn nhân bị đánh đập, đuổi đi khỏi làng và hàng chục vụ án mạng đau lòng đã xảy ra.
 
Ngăn chặn kịp thời nhiều vụ nghi kỵ
 
Đầu tháng 11/2022, ông Hồ Văn Quang ở tổ 2, thôn Bắc Dương, xã Trà Tây (Trà Bồng) bị nhiều người trong làng nghi cầm đồ độc. Nguồn cơn của sự việc là do ông Hồ Văn Thêm ở cùng thôn, trong một lần uống rượu đã nói với nhiều người rằng ông Quang có “đồ độc” vì hay đi đêm. Từ lời nói này, nhiều người tỏ ra sợ và xa lánh ông Quang.
Họp dân để hòa giải nghi kỵ cầm đồ thuốc độc ở xã Trà Tây, huyện Trà Bồng.
Họp dân để hòa giải nghi kỵ cầm đồ thuốc độc ở xã Trà Tây, huyện Trà Bồng.
Ông Quang bộc bạch, tôi nguyên là cán bộ xã, hiện đang làm nghề thầy cúng. Hàng ngày, tôi thường xuyên đi cúng cho mọi người, nên có lúc hay đi về đêm. Chỉ vậy thôi mà ông Thêm và mọi người nghi ngờ, xa lánh tôi, khiến cho cuộc sống gặp rất nhiều bất tiện. Tinh thần tôi lúc nào cũng nặng nề vì bị nghi cầm đồ độc.
 
Cũng ở xã Trà Tây, anh Hồ Văn Vũ là một người nghiện rượu, thường hay tự nói mình có “đồ độc” khiến cho cả làng xa lánh. Gia đình anh Vũ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ lời nói không có căn cứ của người chồng lúc say sỉn. Chị Hồ Thị Cam (vợ anh Vũ) cho hay, gia đình có 5 người con. Đứa lớn nhất chuẩn bị đi bộ đội, đứa nhỏ nhất vẫn còn những bước đi chập chững. Tất cả việc ăn, uống của gia đình đều trông cậy vào việc đi làm thuê hàng ngày của tôi. Nhưng từ ngày bị nghi kỵ, không ai trong làng dám thuê tôi làm gì, cuộc sống lại thêm chật vật, khó khăn.
 
Sau khi nắm tình hình và tiếp nhận phản ánh của người dân, lực lượng an ninh Công an huyện Trà Bồng và Công an xã Trà Tây đã nhanh chóng vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc, tham mưu Đảng ủy xã Trà Tây tổ chức các cuộc hòa giải, nâng cao ý thức người dân. Sau khi được sự hỗ trợ từ lực lượng chức năng, ông Hồ Văn Quang - người từng bị nghi kỵ cầm đồ thuốc độc bày tỏ niềm vui, nhờ lực lượng công an và chính quyền địa phương kịp thời giải nghi, giờ trong lòng tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Dân làng không còn xa lánh, cuộc sống gia đình tôi được trở lại bình thường.
Lực lượng công an đến thăm hỏi, động viên gia đình từng là nạn nhân nghi kỵ cầm đồ thuốc độc.
Lực lượng công an đến thăm hỏi, động viên gia đình từng là nạn nhân nghi kỵ cầm đồ thuốc độc.
Thiếu tá Hồ Văn Chanh - Trưởng Công an xã Trà Tây cho biết, hủ tục lạc hậu đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Lực lượng công an phải thường xuyên kiên trì vận động người dân, tổ chức các cuộc họp dân, tranh thủ những người có uy tín trong đồng bào hoặc xuống từng hộ dân để tuyên truyền. Chúng tôi đã cùng ăn, cùng ở và tâm huyết với đồng bào để giúp xóa dần những định kiến lạc hậu đã ăn sâu vào đời sống người dân.
 
Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn đặc biệt khó khăn nên diện mạo kinh tế - xã hội miền núi đổi mới và phát triển. Nhờ vậy, đời sống người dân cùng với trình độ dân trí, nhận thức pháp luật đã được nâng cao. Nhiều hủ tục mê tín dị đoan cơ bản đã được đẩy lùi. Trong đó, hủ tục nghi kỵ cầm đồ độc – nguyên nhân chính gây chia rẽ cộng đồng dân cư ở miền núi, đến nay đã từng bước được loại bỏ.
 
Bài, ảnh: AN ĐIỀN

 

Xuất bản lúc: 10:01, 31/01/2023

.