(Báo Quảng Ngãi)- Gần đây, một số người dân trên địa bàn tỉnh bị kẻ xấu lợi dụng tâm lý muốn có việc làm, kiếm tiền nhanh để lừa đảo thông qua hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng, cộng tác viên đăng bài online...
[links()]
Lợi dụng tâm lý muốn kiếm tiền nhanh
Chị T.T.H (21 tuổi), ở TP.Quảng Ngãi, là sinh viên năm cuối của một trường đại học tại TP.Hồ Chí Minh. Do dịch Covid-19, chị H về quê sống với gia đình nhiều tháng qua. Cần tiền để trang trải cho việc học nên H tìm việc làm qua mạng và đã bị lừa từ trang facebook "Công việc tại nhà". “Ban đầu tôi vào thanh toán hóa đơn cho họ và họ trả tiền lại đầy đủ, có cả tiền hưởng phần trăm. Sau đó nhiều hóa đơn tôi tiếp tục thanh toán, nhưng họ không trả tiền lại mà khất từ từ. Đến khi tôi không còn tiền trong tài khoản thanh toán hóa đơn thì họ cắt đứt liên lạc. Lúc này tôi mới biết mình bị lừa với số tiền trên 40 triệu đồng”, chị H kể.
Một nạn nhân bị lừa đảo đến cơ quan công an trình báo. |
Gần đây, những kẻ lừa đảo liên tục đăng quảng cáo trên các trang mạng xã hội với những nội dung "Shopee, Lazada, Tiki… tuyển cộng tác viên, kiếm tiền đơn giản, làm việc tại nhà…", với yêu cầu tuyển dụng là có điện thoại/máy tính và tài khoản ngân hàng. Các đối tượng đăng bài "mua hàng trực tiếp" nhưng không nhận hàng. Những kẻ lừa đảo gọi là "làm tăng tỷ lệ tương tác mua hàng đối với sản phẩm". Việc mua hàng sẽ thực hiện chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng do những kẻ lừa đảo cung cấp. Mỗi lượt mua hàng thành công sẽ được hưởng hoa hồng từ 10 - 20%/số tiền gốc của mỗi đơn hàng. Tiền sẽ được chuyển khoản ngược về sau 5 - 10 phút khi đặt hàng thành công, bao gồm cả tiền gốc và hoa hồng.
Thận trọng khi giao dịch qua mạng
Ban đầu, để tạo lòng tin, các đối tượng lừa đảo sẽ cung cấp đường link trên hệ thống Shopee, Lazada, Tiki... của một sản phẩm khoảng 1 - 2 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng cá nhân do đối tượng cung cấp, để nạn nhân chuyển khoản với số tiền tương ứng giá trị sản phẩm trên hệ thống. Ngay sau đó, những kẻ lừa đảo sẽ chuyển khoản ngược lại cho nạn nhân như đã thỏa thuận. Khi nạn nhân "sập bẫy", chuyển số tiền đến hàng chục triệu đồng thì những kẻ lừa đảo không chuyển khoản ngược lại. Đầu năm 2022, chị Đ.T.T.H, trú tại xã Sơn Giang (Sơn Hà) bị lừa gần 100 triệu đồng với chiêu trò nói trên, chị T.H.C ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) cũng bị lừa gần 150 triệu đồng...
Trung tá Nguyễn Ngọc Thạnh - Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) khuyến cáo, người dân cần thận trọng, kiểm soát kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch qua mạng xã hội. Không nên chuyển tiền đặt cọc, hoặc chuyển đủ tiền qua giao dịch mạng xã hội để tránh nguy cơ bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Không chuyển tiền cho bất cứ ai, với bất kỳ yêu cầu nào khi không có căn cứ bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Khi phát hiện trường hợp nghi lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bài, ảnh:
THÀNH SỰ