Vi phạm an toàn công trình thủy lợi: Phát hiện nhiều, xử lý ít

03:10, 01/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi) - Vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi không chỉ ảnh hưởng đến an toàn và hiệu quả công trình, mà còn gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và phòng, chống thiên tai (PCTT), nhưng việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn...

Đê kè Hòa Hà, đoạn từ đê Quan Thánh đến cầu Hiền Lương (trên địa bàn TP.Quảng Ngãi và huyện Tư Nghĩa), có tổng mức đầu tư trên 168 tỷ đồng, triển khai từ 2011 - 2017, là một trong những công trình lớn của ngành nông nghiệp Quảng Ngãi.
 
Công trình không chỉ phòng tránh các tác động bất lợi từ biển, “giữ đất, cấp nước” cho hàng nghìn hécta đất sản xuất nông nghiệp, mà còn tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại. Vì vậy, gần 5km đê kết hợp giao thông được mở rộng, bê tông kiên cố.
 
Tuy nhiên, chỉ những xe có tải trọng dưới 9 tấn mới được lưu thông trên đê. Nhưng thực tế, phần lớn xe lưu thông trên đê đều có tải trọng cao gấp 2 - 3 lần.
 
“Điều này ảnh hưởng rất lớn đến an toàn và hiệu quả công trình, nhưng vì Chi cục Thủy lợi không đủ lực lượng để thường xuyên kiểm tra và kiểm soát, nên đành chịu”, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế - Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) Nguyễn Phú Trưởng cho biết.
Nhiều bờ kênh trở thành
Nhiều bờ kênh trở thành "công trường" tập kết nguyên vật liệu và "gánh" xe trọng tải lớn lưu lượng.
Hay như đê Sông Thoa (Mộ Đức) từng bị sụt lún, do quá nhiều xe tải trọng lớn lưu thông, vận chuyển đất khi thực hiện việc cải tạo đất, dồn điền đổi thửa. Còn hệ thống kênh Thạch Nham, hàng ngày phải “gánh” hàng chục xe công nông, xe chở keo trọng tải lớn, khiến bờ kênh liên tục bị sạt lở và hư hỏng nghiêm trọng...

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, toàn tỉnh đã phát hiện 447 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi, nhưng chỉ có 88 vụ được xử lý, chủ yếu là nhắc nhở, lập biên bản và yêu cầu khắc phục.

Cần quy rõ trách nhiệm

Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng vi phạm và tồn đọng các vụ vi phạm, nhưng nguyên nhân chính là do chính quyền địa phương chưa quan tâm tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi...
 
“Đơn vị không có chức năng xử phạt, nên khi phát hiện, chỉ lập biên bản hiện trường rồi gửi hồ sơ, đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên, do chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt vào cuộc, chưa kiên quyết xử lý, nên mới xảy ra tình trạng “vi phạm nhiều, xử lý ít”, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi Hà Thế Vinh cho biết.

Thiếu kiên quyết trong xử lý, không chỉ gây ra tình trạng “nhờn luật”, mà còn tăng nguy cơ rủi ro thiên tai. Vì vậy, để ngăn chặn và xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi, Chi cục Thủy lợi đã kiến nghị chính quyền các địa phương tập trung phổ biến Luật Thủy lợi, cũng như quan tâm giải quyết những vụ vi phạm, nhất là các vi phạm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, suy giảm năng lực tiêu thoát nước...
 
"Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và chính quyền cơ sở trong thực hiện pháp luật về thủy lợi; đồng thời quy rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy lợi trong quá trình quản lý và sử dụng", ông Trưởng nhấn mạnh.
 

Bổ sung mức phạt vi phạm công trình thủy lợi

Nghị định 65/2019 (có hiệu lực từ 9.9.2019)  sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 104/2017 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTT; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đề điều. Theo đó, phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi vi phạm như: Xây dựng các công trình tạm trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; nuôi trồng thủy sản trái phép; tự ý đấu nối kênh, đường ống dẫn nước, trồng cây lâu năm trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi...


Bài, ảnh: MỸ HOA
 

.