Chuyện về thủy quân Vũ Văn Hùng 

14:19, 26/05/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thủy quân Vũ Văn Hùng sinh ra tại phường An Vĩnh, Cù Lao Ré, nay được thờ tại di tích Nhà thờ họ Võ Văn, làng An Vĩnh (Lý Sơn). Ông là người được ghi chép nhiều lần trong Châu bản triều Nguyễn với vai trò là thực hiện nhiệm vụ đo đạc thủy trình, cắm cột mốc, vẽ bản đồ và tuyển chọn đà công, thủy thủ... cho Đội Hoàng Sa dưới thời vua Minh Mạng. 

Tờ lệnh ngày 15 tháng 4 năm Minh Mệnh thứ 15 (1834) của quan Bố chánh, Án sát tỉnh Quảng Ngãi hiện đang lưu giữ tại Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao, cho biết: “Vâng theo sắc lệnh, Bộ đã tư cho tỉnh chuẩn bị điều động trước 3 chiếc thuyền lớn, cho tu sửa chắc chắn đợi tại kinh. Phái viên và Biền binh thủy quân đến trước để hiệp đồng nhanh chóng đi khảo sát các xứ của Hoàng Sa. Kính vâng theo tỉnh thần làm lễ cầu khấn, điều động 3 chiếc thuyền nhanh, nhẹ ở tỉnh cùng các vật kiện theo thuyền, mỗi loại đều cho tu bổ. Lại phái Vũ Văn Hùng, người được cử đi năm trước và chọn thêm dân phu am hiểu đường biển sung làm thủy thủ phục vụ trên thuyền, mỗi thuyền 8 người cộng 24 người, từ hạ tuần tháng 3 thuận gió thì nhanh chóng cho thuyền ra khơi. Nay các việc lo liệu xong xuôi Phái viên đã đi thuyền đến.

Căn cứ vào các lẽ tuyển chọn của Vũ Văn Hùng phù hợp, thực hiện cấp bằng cho những thủy dân thạo đường biển là Đặng Văn Siểm đảm đương công việc lái thuyền, hãy đi trên một chiến thuyền, dẫn theo các thủy thủ trong đoàn theo Phái viên, Biền binh và Vũ Văn Hùng đến Hoàng Sa thực hiện công vụ. Chuyến đi này có tầm quan trọng đặc biệt, các ngươi phải dốc lòng thực hiện công việc cho thực sự thỏa đáng. Nếu sao nhãng, sơ xuất tất bị trọng tội...”.

Tờ lệnh này trước đây do tộc họ Đặng thôn Đồng Hộ, làng An Hải, Lý Sơn lưu giữ hơn 175 năm, chứng minh rằng từ lâu (trước năm 1834) quần đảo Hoàng Sa đã thuộc chủ quyền của nước ta và xác thực thông tin ghi trong các bộ chính sử triều Nguyễn như Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 122 và Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ... khi viết về ông Vũ Văn Hùng là người đi Hoàng Sa trong nhiều năm.

Đội Hoàng Sa hoạt động dưới thời nhà Nguyễn, chịu sự điều hành của Bộ Công. Đôi khi có việc hệ trọng thì do nhà vua chỉ định. Phiên chế mỗi đội gồm 70 người, có một Cai đội được tổ chức chặt chẽ, kỷ luật. Đội Hoàng Sa đi trên 5 chiếc thuyền câu, mang theo lương thực, nước uống và mỗi thủy quân chuẩn bị 1 đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài ghi rõ phiên hiệu, bản quán. Nếu thủy quân bị tử nạn thì dùng chiếu bó xác, lấy đòn tre nẹp xung quanh, buộc dây mây cho chắc, rồi thả trôi xuống biển. Các thủy quân sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được nhà vua cấp bằng, miễn thuế nông nghiệp, thuế sưu dịch.

Trong các Châu bản triều Nguyễn lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I còn có những phúc tấu của các đình thần ở Bộ Công, Bộ Hộ, hay những chỉ dụ của nhà vua về việc thưởng, phạt cho các thủy quân sau khi thực hiện nhiệm vụ ở quần đảo Hoàng Sa. Châu bản số 54, tờ 92, ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835) về việc thưởng cho Vũ Văn Hùng có công thực hiện công vụ ở Hoàng Sa, như sau: “...Các viên có trách nhiệm vẽ bản đồ chưa rõ ràng là Giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoằng bị phạt 80 trượng nhưng đều chuẩn cho tha. Viên dẫn đường là Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh thì được ban thưởng tiền phi long loại nhỏ 3 mai. Các viên lính trong tượng, cục thuyền đi trong đợt này được thưởng 1 quan, cho về đơn vị cũ, cục cũ...”.

Tuy nhiên, trong Châu bản số 57, tờ 245 ghi chép việc Vũ Văn Hùng đi về quá hạn cũng bị trách phạt và không được dự thưởng: “Ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18 (1837) nói đến các viên Thủy sư suất đội Phạm Văn Biện do kinh sai phái. Viên dẫn đường do tỉnh sai phái là Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh, lái thuyền Lưu Đức Trực tất cả gồm 4 người đi về quá hạn không được dự thưởng. Các binh dân khác cùng đoàn lênh đênh trên biển khơi cũng rất vất vả nên ban xét thưởng. Binh đinh mỗi viên thưởng cho một tháng lương tiền...”.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.  						                                     Ảnh: thanh phương
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Ảnh: THANH PHƯƠNG

Châu bản số 68, tờ 215 của Bộ Công ngày 21 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 19 (1838) nói về việc thực hiện đo đạc bản đồ Hoàng Sa của thủy quân Vũ Văn Hùng, như sau: “Nay tiếp nhận các viên Đỗ Mậu Thoảng, Thị vệ Lê Trọng Ba thuộc ty của bộ thần đi thực hiện công vụ ở Hoàng Sa đã trở về. Bộ thần đã hỏi qua, các viên đó trình bày lần này đi tới được 3 nơi, trong quần đảo này có 25 hòn. Vẫn cứ theo lời Vũ Văn Hùng nói, đảo Hoàng Sa này có tất cả là 4 nơi, lần này họa được 3 nơi, còn một nơi nữa ở phía nam còn cách xa, hiện giờ gió nam đương mạnh, tiết hậu đã muộn, chưa tiện đi biển, xin sang năm lại đi tiếp. Lại cứ theo bọn họ nói, chuyến đi này có lấy được các thức như Hồng y cương phao 1 vị, đá san hô đỏ, hải ba giáp, sinh điểu...”.

Dưới thời vua Minh Mạng từ năm 1834 - 1838 cho thấy Vũ Văn Hùng là thủy quân có vai trò quan trọng trong hoạt động của Đội Hoàng Sa nên được vua sai phái nhiều lần và đã bị tử nạn trong một chuyến công vụ sau này. Theo các lão niên họ Võ Văn, trước đây triều đình nhà Nguyễn miễn cho trưởng tộc họ tiền hiền trên đảo Lý Sơn không đi lính Hoàng Sa, vì phải lo phụng sự tổ tiên nên chỉ lấy suất đinh là con thứ. Thủy quân Vũ Văn Hùng là con thứ của Cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết dưới thời vua Thái Đức, Nguyễn Nhạc, thời Tây Sơn.

Ngoài ra, trong gia đình ông còn có các ông Cai cơ Thủ ngự Cai đội Hoàng Sa Võ Văn Phú thời vua Gia Long, Võ Văn Công, Võ Văn Nội thời vua Minh Mạng cũng đều là những người có đóng góp to lớn cho hoạt động của đội Hoàng Sa. Hiện nay, gia phả họ Võ Văn không ghi rõ thủy quân Vũ Văn Hùng mất vào năm nào, chỉ biết là ngôi mộ gió của ông còn tọa lạc trong khu thổ mộ dòng họ Võ Văn tại xóm Tò Vò, làng An Vĩnh và xướng tên ông trong dịp tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa của tộc họ vào ngày 16 tháng 2 âm lịch.

VÕ MINH TUẤN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:19, 26/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.